Khi nghe PV hỏi là ĐBQH kỳ cựu, trải qua liên tục 4 nhiệm kỳ (2001-2021), ông thấy đã làm được những việc gì mà mình cảm thấy hài lòng nhất, ĐB Dương Trung Quốc chỉ cười và nói "chỉ hoàn thành nhiệm vụ chứ không có điều gì tạo ấn tượng".
Ông kể, có một số việc ông coi đó là kỷ niệm trong quá trình hoạt động nghị trường. Việc thứ nhất, ông là người đầu tiên đề xuất các ĐBQH hát Quốc ca khi chào cờ trong phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp Quốc hội.
ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh V. P).
Ông bảo, trước đây mỗi khi Quốc hội chào cờ, có đội quân nhạc hát Quốc ca, còn các ĐBQH chỉ đứng dậy. "Tôi thấy như vậy là không ổn, khi đứng dậy làm Lễ chào cờ, các ĐBQH cùng hát Quốc ca. Đây là việc thiêng liêng cần thực hiện nghiêm túc", ông nói.
Đề xuất ĐBQH hát Quốc ca khi chào cờ ngay lập tức được ông Vũ Mão (1937-2020), lúc đó đang là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ủng hộ. Việc ĐBQH hát Quốc ca mỗi khi chào cờ tại phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp sau này được thực hiện rất quy củ.
Việc thứ hai ĐBQH Dương Trung Quốc là người đề xuất đầu tiên đó là thủ tục tuyên thệ. Khi đó Quốc hội khóa XIII đang tiến hành xây dựng Hiến pháp (Hiến pháp 2013), ĐB Dương Trung Quốc đã đề nghị Hiến pháp cần có quy định đối với một số chức danh do Quốc hội bầu như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên thệ khi nhậm chức.
Theo ĐB Quốc cùng với việc đề xuất ông cũng có một số bài viết trên báo để khẳng định giá trị của việc tuyên thệ. "Tuyên thệ mang giá trị văn hóa - tinh thần rất lớn. Việc tuyên thệ không phải là nghi lễ mới mà trong lịch sử xa xưa đã có", ĐBQH Dương Trung Quốc nói.
Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, theo truyền thuyết, Vua Hùng dựng cột đá thề. Khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa đánh quân xâm lược nhà Minh, có hội thề Lũng Nhai.
Đến thời hiện đại, ngày 16-17/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Đình Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, trước bàn thờ Tổ quốc và hòn đá thề cửa đình Tân Trào, thắp nén hương thay mặt Ủy ban, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: "Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước... Xin thề!"
Còn kỷ niệm thứ ba, đó là khi Tòa nhà Quốc hội hoàn thành, ĐBQH Dương Trung Quốc là người vinh dự đặt tên Phòng họp Diên Hồng (hội trường chính diễn ra các phiên họp toàn thể của kỳ họp Quốc hội) và Phòng họp Tân Trào (nơi diễn ra các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, với đề xuất tên gọi Phòng họp Diên Hồng ban đầu cũng có những khó khăn. Tên gọi này trước đây Thượng viện của Việt Nam Cộng hòa đã dùng để đặt tên cho trụ sở của họ ở Sài Gòn. "Tôi đưa ra những lập luận để thuyết phục và được Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ", ĐB Quốc nói.
Vẫn theo ĐBQH Dương Trung Quốc, tên gọi Phòng họp Tân Trào gắn với sự kiện Quốc Dân đại hội thời cách mạng hiện đại. Còn tên gọi Phòng họp Diên Hồng được đặt cho hội trường trung tâm dành tổ chức các phiên họp toàn thể trong Tòa nhà Quốc hội, ý niệm về một "Hội nghị Diên Hồng" của thời nhà Trần hơn bảy thế kỷ trước đã trở nên gần gũi với ý niệm về dân chủ, về một nhà nước "của dân, do dân và vì dân" của xã hội hiện đại. Mãi mãi Hội nghị Diên Hồng sẽ ăn sâu và trao truyền trong tâm thức của người dân Việt Nam như một sức mạnh của truyền thống gắn liền với mục tiêu phấn đấu cho nền dân chủ hiện đại.
Theo danviet.vn
https://danviet.vn/dbqh-duong-trung-quoc-va-chuyen-de-xuat-3-viec-o-quoc-hoi-it-nguoi-biet-20210214210619052.htm