Để rộng đường dư luận, làm rõ những nội dung của người dân phản ánh về các vấn đề bất cập tại Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT. 553 đoạn từ Lộc Yên - đường Hồ Chí Minh (gần 8,8km), có tổng mức đầu tư 266 tỷ đồng (GPMB gần 30 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 220 tỷ đồng), PV Kinh tế nông thôn đã nhiều lần liên lạc và có 4 cuộc làm việc với lãnh đạo Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể, chiều 4/10/2022, PV làm việc với ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh Hà Tĩnh với mong muốn tiếp cận và được cung cấp hồ sơ thiết kế thi công… dự án nói trên để có thông tin đa chiều, chính xác hơn và làm rõ những nội dung của người dân phản ánh nhưng ông Tùng nói phải có sự đồng ý của UBND tỉnh thì mới được cung cấp. Mặc dù những tài liệu PV muốn được tiếp cận và cung cấp không phải là những tài liệu bí mật khi dự án đã đấu thầu, tiến hành giải phóng mặt bằng và thi công những hạng mục đầu tiên.
Dự án đang trong quá trình gải phóng mặt bằng, mới triển khai thi công 2 cây cầu...
Nhằm làm rõ hơn những vấn đề bất cập tại dự án mà người dân phản ánh, PV Kinh tế nông thôn tiếp tục có 2 buổi làm việc với ông Lê Viết Hòa, Phó giám đốc Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh Hà Tĩnh vào các ngày 7/10 và 13/10.
Tại buổi làm việc, ông Hòa cho biết: “Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT.553 đoạn từ Lộc Yên - đường Hồ Chí Minh, dài gần 8,8km, quy mô là đường cấp III miền núi, trên tuyến có 4 cầu và nhiều cống, trong đó 1 cầu có dòng chảy, 3 cầu trên cạn. Hợp đồng được ký vào ngày 27/8/2022, nhưng đến nay chưa được bàn giao mặt bằng, chính quyền địa phương và người dân tạo điều kiện nên có mặt bằng để thi công 2 cây cầu: cầu tại Km43 + 366,82 do Công ty TNHH XD và TM Hoàng Ngọc (thầu phụ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Tài Miền Trung) thi công; cầu tại Km44+944,17 do Công ty TNHH Vĩnh Phúc thi công”.
Liên quan đến vấn đề mà dư luận khá quan tâm là một dự án có tổng mức đầu tư 266 tỷ đồng (chi phí xây dựng hơn 220 tỷ đồng) nhưng chỉ có một nhà thầu tham gia đấu và trúng thầu ông Hòa cho hay: “Dự án đấu thầu rộng rãi qua mạng, trên mạng như thế nào thì đơn vị làm như thế, 1 nhà nộp chứ 10 nhà nộp thì đơn vị cũng phải làm theo qua mạng”.
Dự án có tổng mức đầu tư 266 tỷ đồng, giá dự toán xây lắp hơn 221 tỷ đồng nhưng chỉ có duy nhất một nhà thầu tham dự và trúng thầu khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Trao đổi với PV về vấn đề nhà thầu thi công không đúng với hồ sơ thiết kế và dự toán, khi tiến hành thi công cọc khoan nhồi không sử dụng khoan xoay mà sử dụng khoan đập cáp, không bơm dung dịch bentonite để bảo vệ thành vách thì ông Hòa cho biết: “Biện pháp thi công của nhà thầu là do nhà thầu đề xuất, bởi vì công trình này là công trình đấu thầu và mời thầu là mời các kết cấu chính, biện pháp thi công là việc của nhà thầu, còn thanh toán thì thanh toán theo hợp đồng đã được ký kết theo luật quy định. Cụ thể, cọc khoan nhồi chủ đầu tư mời là mời theo m dài, còn cấu thành làm cái cọc đó bằng biện pháp khoan gì, bao nhiêu vật tư vật liệu trong thì đó là việc của nhà thầu, tuy nhiên, về vật tư vật liệu thì phải có cấp phối bê tông và được chấp thuận. Nhà thầu muốn sử dụng biện pháp thi công nào đó là việc của nhà thầu nhưng cọc đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, đủ điều kiện mới được nghiệm thu. Qua kiểm tra thì nhà thầu vẫn có sử dụng dung dịch bentonite theo biện pháp của nhà thầu”.
Biện pháp thi công cọc khoan nhồi trong thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt là khoan xoay, có cần cẩu, bơm dung dịch bentonite bảo vệ thành vách.
Nhưng thực tế tại công trường đang thi công không đúng với thiết kế bản vẽ thi công, không bơm dung dịch bentonite bảo vệ thành vách.
Mặc dù theo hồ sơ thiết kế thì bê tông cọc khoan nhồi là 30Mpa, đá 1x2, được sản xuất bằng trạm trộn hiện trường 50m3/h, vận chuyển bê tông bằng ô tô 6m3, cự ly 0,5km nhưng qua ghi nhận của PV thì nhà thầu dùng máy xúc, xúc các vật liệu vào bồn để trộn bê tông tại chỗ, theo cảm tính và không có bảng cấp phối. Ông Hòa cho hay: “Đây cũng là phương pháp trộn bê tông, thực ra không phải phương pháp trộn bê tông mà đây là phương pháp đo vật liệu, việc này cũng là biện pháp thi công của nhà thầu, được sự quản lý của tư vấn giám sát, cân đong đo đếm đầy đủ để đảm bảo chất lượng cọc khoan nhồi, cọc khoan nhồi cũng đã được tư vấn giám sát kiểm tra nghiệm thu và không có vấn đề gì”.
Dùng máy xúc xúc vật liệu để trộn bê tông theo cảm tính, không có bảng cấp phối thì được lãnh đạo chủ đầu tư cho rằng đây không phải là phương pháp trộn bê tông mà là phương pháp đo vật liệu.
Bệ đúc dầm không được Công ty TNHH XD và TM Hoàng Ngọc, Công ty TNHH Vĩnh Phúc làm đúng theo thiết kế thì ông Hòa cũng cho biết: “Dầm thì cũng thế, Ban mời một phiến dầm thành phẩm là bao nhiêu tiền, còn bệ đúc dầm cũng là biện pháp thi công thì nhà thầu có thể căng bệ đúc kiểu này hay có thể làm bệ đúc kiểu khác là quyền của nhà thầu, bằng phương pháp nào nhưng đảm bảo chất lượng là được”.
Một dự án lớn vừa bắt đầu triển khai những hạng mục đầu tiên thì người dân đã phản ánh có nhiều bất cập, nhưng khi 2 lần PV có mặt tại công trình để tìm hiểu thì đều không thấy sự có mặt của cán bộ kỹ thuật, cán bộ đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư thì ông Hòa khẳng định: “Đơn vị tư vấn giám sát là Liên doanh Công ty CP Tư vấn thiết kế và Xây dựng giao thông 4 và Trung tâm Tư vấn kỹ thuật Giao thông Hà Tĩnh luôn có người ở công trường. Còn Ban quản lý dự án luôn có 3 người, Ban không phải ngày nào cũng có mặt tại công trường, tuy nhiên, cũng thường xuyên có mặt để kiểm tra, đôn đốc. Có thể vào thời điểm đó (thời điểm PV có mặt), hạng mục nào đó chưa phải thời điểm nghiệm thu, thời điểm kiểm tra”.
Theo quy định việc nhà thầu muốn thay đổi biện pháp thi công thì nhà thầu trên cơ sở thiết bị, công nghệ của mình có thể trình biện pháp thi công khác phù hợp và được sự chấp thuận của các cơ quan chấp thuận và phê duyệt. Ông Hòa cho hay: “Biện pháp trong hồ sơ thiết kế chỉ là biện pháp thi công chủ đạo, còn việc khi tham dự thầu thì nhà thầu có thể trình biện pháp khác phù hợp với thiết bị, công nghệ của mình và được tổ chuyên gia đánh giá hợp lý, lựa chọn nhà thầu và họ trúng thầu thì sau đó họ triển khai thực hiện nên ở đây không có sự thay đổi về biện pháp thi công”.
Một dự án với tổng mức đầu tư 266 tỷ đồng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh, cứu nạn cứu hộ trong mùa mưa lũ ở vùng phía Tây Nam huyện miền núi Hương Khê nhưng vừa triển khai đã có nhiều bất cập.
Ngày 20/10, PV tiếp tục làm việc với ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh Hà Tĩnh xung quanh những phản ánh về các bất cập tại dự án trên. Ông Tùng cho biết: ở đây là vấn đề kỹ thuật, liên quan đến biện pháp thi công, biện pháp thi công là việc của nhà thầu, chúng tôi ở đây quản lý chất lượng, làm gì thì làm nhưng các hạng mục phải đảm bảo chất lượng thì chúng tôi nghiệm thu thanh toán.
“Ví dụ, cọc khoan nhồi chúng tôi mời theo m bao nhiêu tiền, nhà thầu không có khoan mà đào trần ra rồi đổ cái cọc đó xong là cũng được. Thứ 2 là dầm, dầm chúng tôi mời 1 phiến dầm bao nhiêu tiền, cẩu lắp lên trụ, lên mố bao nhiêu tiền, còn nhà thầu đổ ở đâu là kệ nhà thầu, khi nhà thầu đổ phải mời chúng tôi nghiệm thu cốt liệu bê tông và đồng thời cốt thép trong cái dầm đó. Còn biện pháp chúng tôi không đụng chạm đến nhà thầu, nhà thầu thích làm như thế nào thì làm nhưng phải đảm bảo chất lượng cho chúng tôi, chúng tôi mới cho triển khai bước tiếp theo”, ông Tùng nói.
Một dự án với tổng mức đầu tư 266 tỷ đồng, có mục tiêu và ý nghĩa rất lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh trong vùng phía Tây Nam huyện miền núi Hương Khê. Đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ ở vùng rốn lũ. Góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông dự án và hoàn thiện đường tỉnh ĐT.553 theo quy hoạch được duyệt. Dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng cho sự kết nối, lưu thông hàng hoá, đặc biệt là các sản phẩm của bà con nông dân khu vực Tây Nam huyện miền núi Hương Khê và vùng phụ cận trên tuyến đường; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Nhưng khi mới thi công những hạng mục đầu tiên thì đã xuất hiện nhiều bất cập khiến dư luận không khỏi quan tâm về các vấn đề như: chất lượng của công trình có được đảm bảo và có đạt được mục tiêu quan trọng của dự án như đề ra?
Để dự án hoàn thành đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả cao thì không kể dự án lớn hay nhỏ, các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn… phải tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ. Cụ thể ở đây, các cơ quan quản lý, giám sát phải yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện đúng các biện pháp thi công, dự toán… đã được phê duyệt. Tránh tình trạng biện pháp thi công theo hồ sơ thiết kế, dự toán… một đường, nhà thầu thi công một nẻo.
Các cơ quan chức năng cần tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án có nguy cơ tác động lớn đến quy hoạch, môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Thiết nghĩ, ngoài các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn…, các dự án phục vụ dân sinh nên phát huy tối đa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Rất cần có sự theo dõi, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, giám sát của báo chí, cộng đồng, người dân… để có thêm kênh thông tin phản biện, góp phần giúp dự án phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.