Ông Trần Bắc Hà (ảnh IT).
Trong hai ngày 27 và 28.6/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 27. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này sau khi xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định:
Thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc; cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV.
Yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV.
Trước đó tại kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), qua kiểm tra cho thấy:
Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động Ngân hàng BIDV.
Về cá nhân ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc và ông Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, quê Bình Định. Ông làm việc trong hệ thống BIDV từ năm 1981 và nhận quyết định nghỉ hưu ngày tháng 8.2016. Ông có 4 năm làm Tổng giám đốc và hơn 8 năm làm Chủ tịch HĐQT của BIDV. Có thể nói ông là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lĩnh tài chính, ngân hàng kể cả khi đã nghỉ hưu.
Vào đầu năm 2013, tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà, khi đó đang là Chủ tịch HĐQT của BIDV đã gây sóng gió cho hoạt động tài chính tiền tệ lúc bấy giờ. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ đồng trong chỉ một phiên giao dịch. Cơ quan công an sau đó đã xác định một người ở Hà Nội và một người ở TP.HCM đã tung tin đồn trên. Mỗi người bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nhưng cơ quan công an không công bố danh tính.
Bốn năm sau (tháng 8.2017) tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt lại rộ lên sau khi nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy ông có liên quan đến việc ký duyệt cho vay đối với Ngân hàng Xây Dựng. Mặc dù thời điểm này ông Trần Bắc Hà đã nghỉ hưu tuy nhiên trước tin đồn đó thị trường chứng khoán đã chao đảo.
Tại thời điểm này, Tổng Cục cảnh sát (Bộ Công an) đã bác bỏ thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt. Chính bản thân ông cũng lên tiếng trên báo chí là vẫn bình thường.
Vào tháng 10.2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với 3 người là ông Trần Bắc Hà, ông Trần Lục Lang và ông Đoàn Ánh Sáng.
Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay.
Tác giả bài viết: Ngọc Lương
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn