Ảnh cắt từ clip của VTV.
Những có những trường hợp mà tôi trực tiếp chứng kiến, để lại những ấn tượng không thể phai mờ.
-Anh là một ca sĩ thần tượng của tôi một thời. tôi sùng thượng anh đến mức không hy vọng được trò chuyện. Gặp anh trong một nhạc hội, thấy anh ngồi cạnh con trai. Đó là một thanh niên béo mập, da trắng xanh, khó phân biệt đã lớn hay còn trẻ em khi nhìn vào gương mặt.
Anh kể rằng khổ lắm, cháu bị bệnh nghiện game chú ạ. Tôi bây giờ như người giữ trẻ em vậy, dẫu đã 18 tuổi rồi đấy. Chúng tôi có biết gì đâu, cứ để chơi game thoải mái. Đến khi phát nghiện thì đã muộn rồi. Lần đầu là khoảng 9 giờ tối, cháu bỗng xô cửa ào ào chạy ra và la hét. Một mạch phi qua đường Nguyễn Trãi xe cộ hãy đông đúc. Tôi khập khà khập khiễng chạy theo không kịp. May sao có đội kiểm soát quân sự đang làm công việc ở đó, họ giữ lại cho và dong được về nhà. Nó suốt đêm lẩm bẩm: “Phải đi tìm mộ tổ nhà mình ở núi Thái Sơn bên Tàu”.
Lần khác là nó leo lên ban công tầng ba đòi nhảy xuống ngõ. Cả ngõ phố náo loạn. Bao nhiêu chăn bông, chiếu nệm các nhà huy động ra hết, rải dày từ bên này sang bên kia chờ đợi. Gần ba tiếng sau cháu nhảy bịch một cái, hú hồn hú vía. Cứ như vậy, tôi khổ lắm.
Tôi đã đưa cháu đi khắp nơi chữa. Sang bệnh viện ở Trâu Quỳ nó đập phá không thể điều trị được. Đưa về bệnh viện Thường Tín thì nó lại chịu. Điều trị được mấy năm nay rồi. Đi làm, đi dạy phải đèo đi để bên cạnh.
Trẻ em nghiện game online có thể sẽ sa sút trong học tập, tâm tính thay đổi.
Một người em họ của tôi một hôm gọi điện báo trong nước mắt:- “Cháu nó vừa mất anh ơi! Anh ra giúp em với”. Nói đến đó liền khóc nức lên. Tôi vội lấy xe chạy ra tận Tràng Tiền. Hỏi chuyện mới biết: Cháu nghiện game lâu rồi. Là sinh viên bách khoa được một năm thì bị nặng và xin nghỉ học để điều trị. Nay đang học tiếp năm thứ hai. Ba ngày qua cháu bám máy liên tục và gục luôn trên bàn máy. Đến lay thì đã cứng đờ cả người rồi. Đám tang thật buồn.
-Bạn đồng môn thời học lớp sáu trường làng của tôi ở khu tập thể gần nhà. Là đồng hương nên tôi hay lên nhà chơi. Anh có con học cùng lớp với con trai tôi. Nhà trên tầng chỉ có hai phòng. Tôi lạ là đến bữa cơm, người mẹ xúc một bát to, trộn lẫn thức ăn đưa sang phòng bên. Cháu vừa chơi game vừa xúc ăn. Ngày nào cũng như ngày nào. Tôi về hỏi con trai mình là bạn ấy học hành như thế nào. Con tôi nói rằng nó đến lớp ngơ ngơ ngác ngác và hay ngủ gật, chả chơi với con.
Gần đây, gặp anh. Anh già sọm đi và buồn lòng kể: -Tôi mất con rồi anh ơi, thằng con một của vợ chồng tôi, nó đang ở bệnh viện suốt năm cai nghiện, vơ chồng đi lại phục vụ. Già rồi vừa vất vả vừa buồn.
-Một lần khác, tôi lên văn phòng công ty của con trai. Từ căn phòng máy tính nhỏ, nhô ra một gương mặt thanh niên khiến tôi giật mình: Tóc bơ phờ, mắt thâm quầng, mặt tái mét, môi thâm xì. Tôi hỏi là ai thì con tôi xuỵt xuỵt kéo ra hành lang: - Nó nghiện game đấy. Mẹ nó gửi xuống cho chị là nhân viên công ty của con. Chị nó đi làm phải mang theo. Không học hành gì được cả. Khi ở nhà thì cũng đã vài lần tự tử bất thành. Thật oải.
Những câu chuyện trẻ “nghiện game” là muôn hình muôn vẻ. Từ khi có mạng Internet và thịnh hành ngày càng nhiều thì những tranh luận diễn ra bất tận giữa các nhà nghiên cứu thần kinh, tâm lý, giáo dục, kỹ trị, xã hội học về máy tính và game: có lợi hay có hại, là bệnh hay không phải là bệnh, cách khắc phục, quản lý người chơi như thế nào. Nhưng thực tiễn đang xẩy ra là ngày càng nhiều người trở nên “nghiện game”.
Một nữ giáo sư nghiên cứu về tâm thần học Nhật Bản, có con nghiện game, là người phản đối quyết liệt việc cho trẻ chơi game từ trải nghiệm đau đớn của gia đình mình.
Trong cuốn sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta?” của nhà báo nổi tiếng, cựu tổng biên tập của tạp chí Harvard Business Review, sau khi tổng thuật quá trình nghiên cứu thần kinh học thế giới từ xưa đến nay, ông đồng thuận với phát kiến của S.Freud về “bộ não mềm dẻo” và các công trình thần kinh học hiện đại đi theo hướng này. Trong đó, việc hình thành các chứng nghiện là do cấu trúc các phân tử thần kinh cùng các chất dẫn xuất của nó luôn luôn ứng biến với tác động lặp lại của ngoại cảnh để tạo ra những kênh liên hệ mới, càng ngày càng bền vững và tác động lên hành vi của con người, tạo nên các chứng nghiên.
Đọc tài liệu, ta thấy cơ chế nghiện ma túy, nghiện cờ bạc và “nghiện game” là hoàn toàn đồng dạng, hoàn toàn như nhau.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ
Theo kinhtedothi.vn
Link gốc: https://kinhtedothi.vn/can-chu-y-viec-tre-em-nghien-game-mua-gian-cach-431574.html