Theo Thông tư, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của cục, vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan Trung ương được xác định căn cứ theo số biên chế.
Với nhóm đơn vị dưới 50 người/đơn vị, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (xe) sẽ bằng số lượng đơn vị có số biên chế dưới 50 người (đơn vị) chia cho 2. Nếu kết quả dư (bằng 0,5) thì được làm tròn số thêm 1 xe.
Ví dụ: Bộ A có 11 đơn vị có số biên chế dưới 50 người/đơn vị thì định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tối đa xác định cho nhóm đơn vị này là 11 : 2 = 5,5, làm tròn lên là 6 xe.
Đối với nhóm đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/đơn vị, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung xác định cho nhóm đơn vị này là bằng số lượng đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/đơn vị.
Ví dụ: Bộ B có 7 đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/đơn vị thì định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tối đa cho nhóm đơn vị này là 7 xe.
Đối với nhóm đơn vị mà trụ sở làm việc không nằm chung địa bàn tỉnh, thành phố với trụ sở của Bộ, cơ quan Trung ương, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được xác định cho nhóm đơn vị này tối đa 1 xe/đơn vị.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương xem xét, quyết định định mức sử dụng tối đa 2 xe/đơn vị trong các trường hợp đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đơn vị có phạm vi quản lý trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Hai hình thức khoán
Một nội dung quan trọng cũng được Thông tư quy định cụ thể là việc khoản kinh phí sử dụng xe ô tô. Theo đó, mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại được xác định theo 2 hình thức khoán theo km thực tế và khoán gọn.
Với hình thức khoán theo km thực tế, mức khoán (đồng/tháng) bằng số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km) nhân với số ngày làm việc thực tế trong tháng (ngày) nhân với đơn giá khoán (đồng/km).
Trong đó, số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại là khoảng cách thực tế của lộ trình di chuyển ngắn nhất (mà xe ô tô kinh doanh vận tải loại 4 chỗ ngồi được phép lưu thông) từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại của chức danh nhận khoán. Số ngày làm việc thực tế trong tháng là số ngày chức danh nhận khoán thực tế làm việc tại cơ quan (bao gồm cả ngày làm thêm vào các ngày thứ 7, chủ nhật hoặc các ngày nghỉ lễ, nếu phát sinh).
Hình thức khoán gọn được áp dụng đối với tất cả các chức danh hoặc áp dụng đối với từng chức danh. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh), Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng mức khoán gọn đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, khoảng cách từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại của các chức danh nhận khoán.
Mức khoán gọn (đồng/tháng) được xác định bằng số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km) nhân số ngày đưa đón bình quân hàng tháng (ngày) nhân đơn giá khoán (đồng/km).
Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đi công tác, trong đó có hình thức khoán theo km thực tế và hình thức khoán gọn cũng được quy định cụ thể tại thông tư này.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2019.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn