Biển báo giao thông nhiễu loạn: Lái xe chật vật, bất an

Thứ ba - 27/08/2024 14:13
Trên nhiều tuyến đường hiện nay có không ít biển báo giao thông bất cập, thậm chí là trái khoáy, “đá nhau”. Tình trạng này khiến người tham gia giao thông bất an, dễ phạm luật, nhiều khi gây mất an toàn…
Vài phút lại hạn chế tốc độ

Anh Nguyễn Văn Thắng, lái xe cho một doanh nghiệp tại Hà Nội cho hay: “Quốc lộ 1A, đoạn qua các thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Ba Đồn (Quảng Bình) liên tục xuất hiện biển báo hạn chế tốc độ. Lái xe đang chạy với tốc độ 90km/h, nhưng bất ngờ thấy biển cắm giảm tốc độ xuống 60km/h, thậm chí có đoạn đường cắm biển 50km/h khiến lái xe bất ngờ. Tháng trước, tôi đang bon bon chạy xe với tốc độ 80km/h đến đường tránh thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) bỗng giật mình, đạp phanh dúi dụi khi phát hiện trước mắt có biển báo hạn chế tốc độ 50km/h. Hôm đó, xe tôi suýt nữa bị xe phía sau đâm thẳng vào đuôi xe”.
 
d2024082707 1
Biển báo giao thông khuất tầm nhìn được cắm trên quốc lộ 1A. Ảnh: Viết Hà.

Ngoài quốc lộ 1A, một số tuyến đường mới, thậm chí là cao tốc cũng xảy ra tình trạng biển báo hạn chế tốc độ đột ngột. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một lái xe du lịch tại Hà Nội cho biết, trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông quy định tốc độ 90km/h, nhưng có những đoạn xuất hiện những biển báo hạn chế tốc độ 60km/h mà không có biển báo 80km/h hay 70km/h trước đó. “Chúng tôi là những người sống bằng nghề lái xe, mỗi ngày chạy hàng trăm km. Công việc rất căng thẳng, nhất là khi phải chạy vào những tuyến đường mới, chưa quen. Vì vậy, chúng tôi rất cần một hệ thống biển báo giao thông rõ ràng, kích thước lớn hơn. Đặc biệt, những điểm hạn chế tốc độ phải được rà soát lại, cắm hợp lý để lái xe đỡ phải chú ý nhiều đến biển báo mà chủ yếu tập trung xử lý tình huống giữa đường”.
 
d2024082707 2
Biển báo “nấp” sau cột điện, lùm cây. Ảnh: Viết Hà.

Tình trạng bức bối vì bị hạn chế tốc độ xảy ra nhiều hơn tại các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ nhỏ ở các khu vực đô thị hóa cao. Đơn cử, trên đoạn đường tỉnh lộ từ thị xã Việt Yên (Bắc Giang) đi thị trấn Cao Thượng (huyện Tân Yên, Bắc Giang) biển báo khu đông dân cư liên tục xuất hiện ở các trung tâm xã, hay khu dân cư đông đúc bám dọc tuyến. Trải nghiệm thực tế của phóng viên trên đoạn đường dài chỉ 13 km này cho thấy, nhiều điểm, tài xế vừa qua khỏi khu đông dân cư (được phép chạy tối đa 50 km/h với đường không có dải phân cách cứng ở giữa) chỉ vài trăm mét lại gặp ngay biển báo khu đông dân cư mới. Vì thế, xe chỉ tăng tốc lên được 80 km/h (đối với đường bộ không có dải phân cách giữa ngoài khu dân cư) được một hai phút lại phải giảm đột ngột về 50 km/h. Vì tuyến này thường xuyên xuất hiện chốt CSGT nên nhiều lái xe cài đặt sẵn chế độ tốc độ tối đa khi chạy tuyến này là 50 km/h để tránh bị phạt.

Biển báo chữ nhỏ, trái khoáy

Tổ chức giao thông, trong đó có biển báo giao thông tại Hà Nội là nỗi khiếp đảm với nhiều lái xe. Không ít lái taxi ở các tỉnh lẻ không dám nhận khách chạy vào nội thành Hà Nội vì sợ bị phạt.

Tại nút giao thông đường đê Xuân Quan lên cầu Chương Dương, nhiều người bị CSGT dừng xe nhưng không hiểu mình vi phạm lỗi gì. Để biết mình mắc lỗi gì, có người quay lại xem biển báo, mới biết ở nút giao này cấm xe ô tô đi lên cầu từ 6h đến 9h. “Một điểm tồn tại đến 3 loại biển, chữ ghi nhỏ chi chít. Tôi phải đứng 5 phút mới đọc xong và hiểu được các quy định. Cắm biển kiểu này không khác gì đánh đố người dân”, anh Nguyễn Văn Nam, ở quận Long Biên bức xúc.
 
d2024082707 3
Biển báo cấm dừng đỗ cắm cạnh biển thông báo điểm trông giữ xe. Ảnh: Viết Hà.

“Trớ trêu” nhất trên đường phố Hà Nội hiện nay là ngay sau những biển cấm dừng đỗ ôtô lại xuất hiện biển trông giữ ôtô. Khảo sát của phóng viên cho thấy, trên tuyến đường Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Văn Miếu, Nguyễn Hoàng, Lê Đức Thọ nhiều điểm xuất hiện “cặp” biển báo phi lý này. Anh Bùi Quang Vinh, sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: “Nhiều lúc, tôi gửi xe ở những điểm tồn tại hai biển, một cái cấm, một cái kinh doanh điểm đỗ xe, tôi không biết tin cái nào. Mình gửi xe, trả tiền, nhưng có thể lực lượng chức năng kéo xe, phạt vì đỗ sai quy định mình cũng phải chịu”. Trong khi đó, biển báo cấm dừng đỗ xe và biển được phép trông giữ ô tô cùng do Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép.

 
Viết Hà - Anh Dũng
Theo Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây