“Người lớn cũng uể oải, huống hồ con trẻ”
Ngày 10.2 (mùng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, trước khi giáo viên, học sinh tại các trường học bắt đầu trở lại với công việc học tập, giảng dạy theo thời khóa biểu. Sau những ngày nghỉ dài, được vui chơi thỏa thích, nhiều học sinh có biểu hiện không thích đi học. Phụ huynh khốn khổ vì phải dùng đủ cách “dụ” con hứng thú hơn với chuyện học tập.
Chị Đỗ Thị Lý (có con đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) than thở, 2 ngày nay vợ chồng chị vất vả với việc hối thúc con ngồi vào bàn học để ôn lại bài vở. Thậm chí cứ nhắc đến chuyện chuẩn bị đi học là con lại buồn bã, chán nản.
“Để con có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn, một tuần nay chúng tôi cho con vui chơi, không nhắc gì chuyện bài vở. Buổi sáng cũng cho con được ngủ thỏa thích. Vì muốn ngày đầu tiên con trở lại trường học được suôn sẻ, 2 ngày qua tôi bắt đầu yêu cầu con ôn lại bài vở.
Có điều, con chỉ ngồi vào bàn học được mươi phút là vươn vai, gục mặt xuống bàn kêu chán học. Cháu còn năn nỉ xin cho chơi thêm vài ngày nữa. Quát, mắng con nhưng lại thương. Người lớn sau những ngày nghỉ, không phải vướng bận tới công việc, giờ cũng khó bắt nhịp trở lại, cũng uể oải chứ nói gì đến trẻ con”- chị Lý thở dài.
Theo cô Phạm Thái Lê (giáo viên môn Ngữ văn, Trường Marie Curie, Hà Nội), tâm lí học sinh uể oải tới trường sau kỳ nghỉ Tết là khó tránh khỏi. Quan trọng nhất là giáo viên cần có cách để kéo học trò trở lại với “quỹ đạo học tập”.
“Với mỗi bộ môn, thầy cô sẽ có một "chiêu" khác nhau để hấp dẫn trò trở lại quỹ đạo. Nhưng tốt nhất là những ngày đầu năm mới không nên quá căng thẳng việc học, mà phải để việc học trở nên nhẹ nhàng, tạo không khí vui tươi.
Ví dụ giờ học đầu năm mới có thể trò chuyện với học sinh về kỷ niệm trong kỳ nghỉ tết. Ngoài ra, thầy cô có gì ngoài điểm để tìm cách thưởng cho trò đâu. Hãy khuyến khích học trò bằng việc lì xì điểm cho những em chăm ngoan. Việc được điểm cao, được khen trong những ngày đầu năm cũng tạo động lực để học trò hứng thú hơn với việc học”- cô Lê chia sẻ.
Cần phụ huynh đồng hành
Theo cô Thạch Anh Thư - giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội), để học sinh hào hứng trở lại trường sau khi nghỉ Tết, bên cạnh việc giáo viên có phương pháp tạo tiết học thú vị, tươi vui, thì rất cần sự đồng hành của phụ huynh.
Cụ thể, theo cô Thư, khi chuẩn bị hết kỳ nghỉ tết (còn khoảng 1-2 ngày), để học sinh đỡ quên kiến thức, sớm bắt nhịp với việc học, phụ huynh nên dành một khoảng thời gian cùng con ôn lại công thức, hay các lý thuyết trong sách giáo khoa. Khi đã nhớ lý thuyết, lên lớp giáo viên và trò sẽ cùng nhau luyện tập.
Còn chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, khi sắp hết kỳ nghỉ, cha mẹ nên tìm cách ổn định lịch trình sinh hoạt cho con như những ngày còn đi học.
Ví dụ, khoảng 1-2 ngày cuối kỳ nghỉ Tết, phụ huynh có thể tập thói quen để con đi ngủ đúng giờ, hôm sau dậy và ngủ trưa đúng giấc. Ngoài ra, vào buổi tối, cha mẹ nên dành thời gian hướng dẫn con ngồi vào bàn học.
Lúc đầu trẻ có thể chán nản, nhưng quan trọng nhất là hình thành thói quen học tập cho con. Việc này sẽ giúp trẻ thích nghi nhanh, đỡ vất vả cho cả phụ huynh, giáo viên và học sinh khi bắt đầu trở lại với việc học tập khi hết kỳ nghỉ Tết.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn