V.League 2023/24 sắp khởi tranh, nhưng nhiều CLB tỏ ra “hụt hơi” khi chưa kịp bắt đầu.
Riêng cặp đấu Hà Nội FC và B. Bình Dương phải lùi ngày 24-11 vì đội bóng thủ đô có chuyến làm khách trước CLB Vũ Hán (Trung Quốc) vào ngày 24-10 trong khuôn khổ Cúp C1 châu Á 2023/24. Giải hạng Nhất cũng theo đuôi V.League, khởi tranh vào 21 và 22-10.
Hôm qua (2-10) đội tuyển Việt Nam cũng đã hội quân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam để chuẩn bị cho các trận đấu giao hữu trong tháng 10-2023, dự kiến trong các thời điểm 10-10 (gặp Trung Quốc), 13-10 (gặp Uzbekistan) và 17-10 (gặp Hàn Quốc).
Như vậy, bóng đá Việt Nam trong khoảng thời gian giữa và cuối tháng 10 vô cùng bận rộn. Về phương diện cá nhân, các tuyển thủ vừa là nòng cốt ở CLB, vừa là trụ cột ở đội tuyển quốc gia sẽ đối mặt với mật độ tập luyện, thi đấu liên tục (nếu được trao cơ hội ra sân), các HLV ở của nhiều đội bóng “nhả quân cho tuyển” cũng sẽ đau đầu với bài toán nhân sự và định hình bộ khung, chiến thuật cho mùa giải mới.
Trong danh sách đội tuyển được công bố hôm 29-9, CLB Công an Hà Nội dẫn đầu về số lượng với 7 cầu thủ (Quang Hải, Văn Luân, Văn Toản, Tuấn Dương, Việt Anh, Tấn Tài, Văn Hậu), tiếp theo là Viettel có 6 cái tên (Hoàng Đức, Tiến Anh, Văn Khang, Đức Chiến, Thanh Bình, Tuấn Tài). Thậm chí, một đội hạng Nhất như PVF- CADN cũng đóng góp 3 gương mặt (Văn Đô, Đức Phú, Thanh Nhàn). Rõ ràng, các HLV của các CLB trên không thể không thấp thỏm, bởi mùa giải mới đã cận kề, trong khi cuộc cạnh tranh V.League lẫn hạng Nhất dự báo sẽ vô cùng khốc liệt.
Với ban tổ chức giải (VPF), câu chuyện VAR cũng đang phải gặp vấn đề. Cho đến lúc này, trong tay VPF mới chỉ có 2 xe VAR thay vì 4 như kế hoạch, bởi 2 xe còn lại đang chờ FIFA cấp. Và, ngay cả khi có đủ, cũng chỉ có thể áp dụng tối đa 4/7 trận ở 1 vòng đấu và chỉ sử dụng tại các sân đấu từ khu vực Bắc Trung Bộ trở ra và không phải sân nào cũng đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Về phần các CLB, cũng có nhiều đội đang vật lộn với những khó khăn nhất định. Không chỉ thiếu kinh phí trong mua sắm, bổ sung lực lượng, có CLB còn gặp phải những vấn đề nội bộ như nợ lương, thưởng, hội cổ động viên bị giải thể (CLB Khánh Hòa). Đáng nói hơn, sau hơn 1 tháng VPF ra lời “cảnh báo” về đăng ký và sử dụng SVĐ đủ điều kiện làm sân nhà thi đấu giải vô địch quốc gia 2023/24, các CLB như Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa vẫn chưa có nhiều tín hiệu lạc quan. Nếu không có những bước cải tạo “thần tốc”, nguy cơ 3 CLB của miền Trung phải mượn sân khác để đá V.League là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Với tân binh Quảng Nam, sân Tam Kỳ được chọn là sân nhà ở giải hạng Nhất, nhưng nay không đáp ứng “tiêu chuẩn V.League” từ đèn chiếu sáng, mặt sân cho đến các phòng chức năng phục vụ các trận đấu. Tương tự là CLB Quy Nhơn Bình Định. Đặc biệt, CLB Khánh Hòa còn bị đơn vị chủ quản sân 19-8 “đuổi” vì đang còn nợ tiền thuê sân mùa giải trước. Nếu không “đào” ra kinh phí, nếu như CLB Quảng Nam có thể mượn người hàng xóm sân Hòa Xuân làm sân nhà thì Bình Định và Khánh Hòa càng lâm về thế khó, bởi sân gần nhất cũng xa đến mấy trăm cây số. Rõ là chưa ra ngõ đã gặp khó!.
Có thể, đây là mùa giải đầu tiên VPF áp dụng khung thời gian mới theo chuẩn AFC (thi đấu vắt sang 2 năm), nhiều CLB không “theo” kịp. Ấy nhưng, lý do cốt lõi vẫn là kinh phí, cũng là chuyện “đầu tiên- tiền đâu”. Sẽ khiên cưỡng khi áp đặt rằng cách làm bóng đá ở Việt Nam có xu hướng “mì ăn liền”, nhưng việc hầu hết CLB đều sống dựa vào “bầu sữa” của doanh nghiệp, nhà tài trợ luôn bị đặt trong tình thế bấp bênh, “ăn bữa này đã lo cho bữa kế tiếp”. Đó là chưa kể đến việc một số “ông bầu” đầu tư vào bóng đá rất tùy hứng, thích thì theo, không thích thì nghỉ, hoặc dọa bỏ giải…
Bước qua tháng Mười, nghĩa là mùa giải mới đã điểm, mà bóng đá Việt Nam còn ngổn ngang nhiều thứ trong bối cảnh giá trị của Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam sụt giảm, rời khỏi Topps 3 Đông Nam Á!