Áo trắng, áo xanh mùa dịch

Thứ năm - 27/02/2020 05:50
Đồng nghiệp, và đồng bào của tôi nữa, đang cần thêm nhiều biểu tượng niềm tin, không chỉ ngành y.
Những bài học từ… 5 phút  

Giữa những ngày dịch viêm phổi bùng phát gây bao hoang mang, tôi lại nhớ ông rất nhiều - nhà giáo, thầy thuốc, đại biểu quốc hội và cũng là người bạn lớn của nhiều nhà báo: Phó Giáo sư Tôn Thất Bách.

 
T20200222706 1
Bác sĩ Tôn Thất Bách - người dạy kiến thức và gieo trong tôi niềm tin về đội ngũ y tế Việt Nam tài giỏi, tâm đức.
 
Tôi nhớ, trong cuộc gặp đầu tiên, ông đã dành cho một bài học quý giá: "Nhà báo đến trễ 5 phút nhé! Cô có biết với một thầy thuốc, 5 phút quý như thế nào không?". Sau này, tôi còn được chứng kiến một đại biểu quốc hội Tôn Thất Bách đã tận dụng 5 phút trước khi bắt đầu họp tại đoàn đại biểu quốc hội để đọc tài liệu hiệu quả như thế nào.

Cũng với 5 phút ấy, trong giờ giải lao tại hội trường Quốc hội, ông từng nhiều lần tranh thủ 5 phút ngắt quãng, vừa trả lời điện thoại, chào hỏi người quen, vừa giảng cho tôi về hệ thống và chính sách y tế. Chính ông là người đầu tiên đem đến cho tôi niềm tin bền vững rằng thầy thuốc Việt Nam rất giỏi: Giỏi không thua thế giới. Thậm chí, khi được trang bị hiện đại và có nhiều điều kiện giao lưu với công nghệ tiên tiến, họ còn có thể giỏi hơn.

Đúng, họ không giỏi làm sao được khi hàng ngày, có bác sĩ phải khám đến hàng trăm bệnh nhân, có bác sĩ phải mổ hàng chục ca, có bác sĩ đến cả chục cái Tết túc trực bệnh viện chỉ để cấp cứu cho những bệnh nhân tai nạn giao thông sau những bữa tiệc rượu v.v. Cường độ làm việc nhiều, tiếp cận lâm sàng liên tục là cơ hội tuyệt vời để các bác sĩ trở thành thầy thuốc giỏi.

Cần thêm nhiều cây bách trong giông bão  

Và, giữa những ngày cả đất nước nóng ruột trước tình hình dịch bệnh quá phức tạp này, tôi càng nhớ ông hơn, có lẽ bởi đồng bào đang trông chờ để được gieo lại một niềm tin, hay đúng hơn là một biểu tượng phát ngôn của ngành y, một người mà chỉ để khi họ cất lên tiếng nói, rằng: "Đừng sợ, nếu bà con nghe tôi làm những việc này này..." thì nhiều người sẽ tin tưởng và bình tâm.

Là một nhà báo, 16 năm trước, tôi đã khóc lặng khi viết bài "Cây Bách đã ngưng reo giữa đại ngàn" khi nghe tin ông ra đi. Lúc này đây, giữa lúc cơn bão đại dịch đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, tôi vẫn rơi nước mắt khi nhớ tới ông.

Có lẽ, đồng nghiệp của tôi, và cả đồng bào của tôi nữa, đang cần thêm nhiều biểu tượng niềm tin, không chỉ ngành y, để tiếp thêm sức mạnh vượt qua nỗi sợ hãi mùa bệnh dịch.

Tri ân những thầy thuốc mặc áo lính

Trở lại chuyện thời sự hôm nay.

Bạn thử hình dung, cách ly 10.000 dân ở Sơn Lôi khó đến như thế nào? Ai có thể làm việc đó? Phải là mô hình quân, dân y kết hợp. Tại sao? Vì những người dân khi nghe đến hai chữ " cách ly" sẽ không khỏi bối rối, lo lắng. Nếu không tin việc cách ly này là đúng và những ngày sắp tới vẫn sẽ được đảm bảo gần như bình thường thì họ sẽ bấn loạn. Và dễ dẫn đến rối loạn.

 
T20200222706 2
Trong 45 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch, có tới 20 đội của quân y sẵn sàn làm nhiệm vụ.

Suốt 2 tuần qua, những người dân Sơn Lôi đã nhanh chóng ổn định tình hình, bởi trong số những người đến ở cùng họ đầu tiên có những quân nhân khoác áo blu trắng. Hơn nửa thế kỷ trước, việc sống chung và tin tưởng gần như tuyệt đối vào những người lính đã in sâu vào tiềm thức nhân dân.

Trong chiến dịch chống cô Vít, cô Vy này, những quân nhân khoác áo trắng hay những những người lính cụ Hồ, theo cách gọi của người dân quê đến giờ vẫn vậy, cũng cùng tham gia khoanh vùng, cách ly, dập dịch, miệt mài diễn tập để chuẩn bị các phương án ứng phó khẩn cấp nếu dịch lan rộng.

Trong 45 đội phản ứng nhanh trên toàn quốc luôn sẵn sàng ứng phó, có tới 20 đội của quân y.

Ai không biết chứ tôi, nghe nói có mô hình quân dân kết hợp chống dịch, bỗng thấy thật yên tâm, nhẹ lòng.

Hồi chiến tranh chống Mỹ, trạm xá của Viện Quân y 559 đóng ở thôn tôi. Ngày ngày, chúng tôi chứng kiến các y, bác sĩ chăm sóc bệnh binh còn hơn cả mẹ hiền chăm con. Họ gánh cơm canh đi đến từng nhà dân, nơi có thương bệnh binh ở, rồi giặt giũ quần áo.

Bởi thế, mãi mãi khắc sâu trong tôi luôn là hình ảnh những nam nữ bác sĩ mặc quân phục đến từ Hà Nội, đẹp ngời ngời và nhẹ nhàng, ân cần. Tôi nhớ, đêm cuối cùng trước ngày 30.4.1975 khoảng hai ba tháng gì đó, cả đơn vị rút đi. Họ vào Nam. Trước khi rời làng, bác sĩ Sáu - trạm xá trưởng – đã nói với bà ngoại tôi: " Mạ ơi, chiến thắng rồi các con sẽ đi qua đây...".

Nhưng sau ngày 30.4, bà ngoại tôi khóc, bảo rằng cái trạm xá đó đã hy sinh gần hết rồi. Bác sĩ Sáu không về được nữa.

Và hôm nay, khi những đồng đội của Viện 559 thời Trường Sơn lại ở bên, lại đồng hành để người dân vững tâm, những ký ức xưa lại dội về.
 
T20200222706 3
Các bác sĩ quân y VN xếp hàng tại sân bay Quốc tế Juba, bắt đầu hành trình thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình LHQ tại Nam Sudan

Thủ tướng nói: "Chống dịch như chống giặc". Không sai. Vì bộ đội cụ Hồ thực sự đã luôn có mặt trong đoàn quân chống dịch. Hơn lúc nào hết, chúng ta lại càng đoàn kết.

Đoàn kết để chiến thắng.
Lương Bích Ngọc
Theo  Khám phá

Link gốc: http://khampha.vn/toi/nhung-doi-nguoi-nhung-rung-cay-c8a757726.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây