Việc GPMB thi công QL1A: UBND tỉnh Nghệ An cần xem xét quyền lợi chính đáng cho người dân

Thứ bảy - 10/06/2017 07:49
Quá trình thu hồi mặt bằng cho dự án mở rộng QL1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An, việc kê khai hiện trạng nguồn gốc đất cũng như tài sản trên đất của người dân là chưa đúng theo quy định. Hàng trăm người dân vì thế mà mất quyền lợi được hưởng theo đúng quy định khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án, phát sinh kiện cáo triền miên.
Đất của dân, UBND xã tự kê khai (?!)

Thực tế, theo quy định, khi thực hiện thu hồi đất đai của người dân để làm các dự án, việc kê khai thực trạng đất thu hồi cũng như tài sản trên đất của người dân phải được chú trọng và làm một cách chặt chẽ. Một là nhằm bảo đảm quyền lợi được hưởng đúng, đủ cho người dân, đồng thời tránh được tình trạng kê khai khống để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước trái pháp luật.

Theo trình tự được quy định, việc kê khai hiện trạng đất thu hồi cũng như tài sản trên đất được giao cho UBND cấp xã kết hợp với UBND huyện thực hiện. Quá trình lực lượng chức năng địa phương thực hiện kê khai thì phải có sự chứng kiến, nhất trí của người dân và phải được thực hiện rõ ràng minh bạch thông qua một bản kê khai theo mẫu quy định và các bên liên quan phải ký kết vào để xác thực. Quy định rõ là thế, nhưng khi thực hiện kê khai theo quy định thì UBND xã Diễn Trường (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) lại tự ý kê khai hộ cho người dân, không thực hiện đúng quy định, dẫn tới việc hàng chục người dân bị mất quyền được hưởng chế độ đền bù GPMB theo quy định của Nhà nước.

Mặc dù đất, tài sản trên đất là của người dân, thế nhưng khi thực hiện kiểm kê thì UBND xã lại không kết hợp với người dân để kiểm kê mà lại tự kê khai "giúp" dân để rồi sai chồng chéo. (Ảnh: HP)

Ông  Trường Phước (xóm 1, Diễn Trường, Diễn Châu) trình bày: “Quá trình thực hiện kê khai thu hồi đất cũng như tài sản trên đất của UBND xã đối với gia đình chúng tôi là hết sức vô lý. Bỏ qua những quy định, UBND xã vượt mặt tự ý kê khai hiện trạng sử dụng diện tích đất thu hồi mà không hề báo cho phía gia đình chúng tôi biết. Thực tế diện tích đất gia đình tôi bị thu hồi là hơn 339m2, thế nhưng lạ thay trong quyết định thu hồi số 383 của UBND huyện thì chỉ ghi diện tích thu hồi là 41,2m2. Ngao ngán với kiểu làm việc quan liêu như vậy, dân hỏi lý do thì bảo xã chỉ căn cứ vào hồ sơ lưu. Đất nhà tôi ở từ những năm 1986 tới nay không có chuyện lấn chiếm hay tranh chấp trái luật với ai, và cũng chưa bao giờ bị thu hồi một m2 nào để mở rộng đường 1A, nay thu hồi thì phải đền bù hết cho gia đình chúng tôi chứ.”

Không riêng gì hộ ông Phước, quá trình tiếp xúc với nhiều người dân sống bên ven QL1A đoạn qua địa phận xã Diễn Trường, PV đều nhận được những phản ánh tương tự. Để khẳng định rằng quá trình thực hiện kê khai tài sản cũng như diện tích đất bị thu hồi hoàn toàn xã tự làm chứ dân không hề biết, các hộ dân đã cung cấp cho PV bản tự kê khai tài sản mà họ nắm được từ UBND xã. Trong toàn bộ giấy tự kê khai đất và tài sản thì quả nhiên không có giấy nào có chữ ký xác nhận của chủ hộ gia đình bị thu hồi đất cũng như ảnh hưởng tài sản trên đất.

Biết rằng tự kê khai là sai nhưng UBND xã lại đùn đẩy rằng do cấp trên (Ảnh: HP)

Về nội dung vì sao UBND xã cố tình tự kê khai đất cũng như tài sản trên đất để rồi gây thiệt hại tới quyền lợi được hưởng của người dân, tại biên bản tiếp dân ngày12/6/2014 của UBND xã Diễn Trường có kết luận khẳng định: Giấy xác nhận nguồn gốc đất ghi với các nội dung đó là do UBND xã lập, do sơ suất; Về phần bản tự kê khai trong bộ hồ sơ đền bù GPMB tại mục tổng diện tích đất bị ảnh hưởng viết như trong hồ sơ là do hướng dẫn của cấp trên là cán bộ UBND huyện hướng dẫn thực hiện;…

Đất và tài sản trên đất là của nhân dân, đó là mồ hôi nước mắt, thậm chí là xương máu của họ, khi thực hiện thu hồi thay vì dân chủ, minh bạch và theo đúng trình tự thủ tục đã được quy định cụ thể trong việc kê khai tài sản cho người dân thì UBND xã Diễn Trường lại tự ý “kê khống”. Điều đó dẫn tới người dân rơi vào cảnh bị thu hồi đất, tài sản bị ảnh hưởng, thiệt hại nhưng “ngậm đắng” vì không được đền bù, hỗ trợ. Bất mãn với thực tế nêu trên, người dân liên tục gửi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền để mong được bảo vệ lợi ích chính đáng, thế nhưng tới nay mọi chuyện vẫn “rơi vào im lặng”.

Cần xem xét lại toàn bộ quy trình thu hồi đất

Không riêng gì tại địa bàn xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu mới có việc xã tự kê khai đất và tài sản trên đất để thu hôi cho dự án mở rộng QL1A, mà tại nhiều xã thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc, huyện Quỳnh Lưu cũng diễn ra thực tế tương tự.

Tại huyện Nghi Lộc, phản ánh tới báo PL&XH, ông Trương Văn Tòng (xóm 6, xã Nghi Long, Nghi Lộc) nêu rõ: “Thực hiện dự án mở rộng QL1A, gia đình tôi có hàng trăm m2 đất từ đời cha ông để lại bám đường QL1A nay bỗng bị Nhà nước thu hồi mà không được nhận đúng, đủ tiền hỗ trợ như Luật đã quy định. Quá trình thực hiện kê khai hiện trạng diện tích đất bị thu hồi cũng như phần tài sản trên đất bị ảnh hưởng, gia đình tôi cũng không được UBND xã cho biết hay được ký xác nhận cụ thể. Toàn bộ hồ sơ kê khai của gia đình tôi là do cán bộ địa phương tự khai, thực hiện và chuyển lên trên. Như vậy thì làm sao chúng tôi được bảo đảm quyền lợi chính đáng được. Dân hỏi vì sao thì Chủ tịch UBND xã bảo xin lỗi nhân dân vì đã không làm đúng, nhưng xin lỗi xong bỏ đấy chứ cũng không kiến nghị sửa sai cho người dân…”.

Ngoài ra ông Tòng còn thông tin thêm, khi thấy quyền lợi của gia đình cũng như của nhiều hộ gia đình khác liền kề bị ảnh hưởng, họ đã làm đơn kiến nghị gửi UBND huyện cũng như UBND tỉnh để mong được xem xét, hàng chục đơn thư được gửi đi nhưng tới nay kết quả vẫn chưa khả quan. Họ cho rằng các cơ quan chức năng đang “lòng vòng” né và đùn trách nhiệm.

Nguy hại hơn, việc một số văn bản của UBND tỉnh, huyện trả lời khẳng định rằng diện tích thu hồi đã được đền bù từ thời điểm thực hiện nâng cấp mở rộng QL1A năm 1995 là hoàn toàn sai. Bở lẽ, ngay kể cả trong công văn số 2225/CV-UB của UBND tỉnh Nghệ An ngày 14/9/1995 do ông Hoàng Tất Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký xác nhận,  gửi cho các hộ dân bị ảnh hưởng đất còn thắc mắc, khiếu nại lên UBND tỉnh nêu rõ:  Đất trong chỉ giới hành lang bảo vệ 7 mét Nhà nước không thu hồi nên không bồi thường. Trong hành lang đó, tuy không được phép xây dựng nhưng gia đình vẫn có thể sử dụng tăng gia sản xuất bình thường.

Hàng trăm người dân bức xúc, bất bình vì quyền lợi chính đáng không được thực hiện nên liên tục viết đơn khiếu nại (Ảnh: HP)

Vậy là quá rõ, quá trình thực hiện dự án nâng cấp mở rộng năm 1995, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện đo đạc và cắm mốc lộ giới về hành lang bảo vệ, tuy nhiên vì chưa thực hiện thu hồi nên không thực hiện việc đền bù theo quy định. Và giờ khi dự án này tiếp tục được thực hiện, ngoài việc thu hồi 7m nằm trong hành lang bảo vệ như đã nêu và diện tích ngoài hành lang bảo vệ đó thì UBND tỉnh Nghệ An cần thực hiện đúng quy định trong việc đền bù cho người dân bị ảnh hưởng là hoàn toàn phù hợp.

Việc kiểm kê hiện trạng sử dụng sai, cũng như hiểu sai nội dung thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng tại thời điểm năm 1995 như đã nêu cần phải được xem xét lại và sửa chữa để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Về điều này, UBND tỉnh Nghệ An cần nắm tình hình cũng như cách thực hiện tại các tỉnh liền kề như Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Tại tỉnh Hà Tĩnh cũng như tỉnh Thanh Hóa thì quá trình thu hồi đất cũng như kiểm kê tài sản bị ảnh hưởng của người dân đã được các cấp chính quyền làm hết sức chặt chẽ và chu đáo, cũng bởi vậy mà người dân không phải rơi vào cảnh kiện cáo triền miên như tại Nghệ An đã xảy ra.

Giải phóng mặt bằng nâng cấp sửa chữa mở rộng QL1A là một dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa hết sức đặc biệt trên nhiều phương diện. Đường QL1A ngày càng được mở rộng, người dân hết sức vui mừng, thế nhưng với tình trạng nêu trên thì tại Nghệ An con đường đi vào lòng người dân mà các cấp chính quyền sở tại đang thực hiện lại ngày càng thu hẹp lại, đó là điều hết sức đáng buồn.

Trong nội dung Luật đất đai năm 2013 được thông qua ngày 29/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII cũng nêu rõ nội dung: Sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; trách nhiệm đối thoại và giải trình của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận.


Theo Hoàng Phạm Phapluatxahoi.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây