Cả gia đình vào Nam lập nghiệp
Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ ở vùng quê Thái Bình, tuổi thơ của ông Chích gắn liền với ruộng đồng, đói nghèo. Dù làm lụng vất vả nhưng cuộc sống gia đình vẫn luôn trong tình trạng thiếu ăn thiếu mặc.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cuộc sống có nhiều thay đổi, gia đình ông cũng phần nào bớt khổ hơn trước nhưng cái nghèo đói vẫn cứ đeo bám dai dẳng quanh năm suất tháng. Ông cùng gia đình tìm đủ mọi cách thoát nghèo.
Năm 1996, cô con gái thứ hai của ông là Vũ Thị Nhung là người đầu tiên trong gia đình vào Nam làm ăn. Chị làm công nhân cho một công ty ở Bình Dương, với đồng lương ít ỏi chỉ đủ để trang trải cuộc sống cá nhân, chị phải tiết kiệm chi tiêu hết mức mới dành dụm được một ít để gửi về cho gia đình.
Năm 1999, người con trai thứ ba là Vũ Đình Ba, sau khi đi bộ đội về cũng vào Bình Dương làm công nhân với chị gái. Lương công nhân của hai chị em dồn lại cũng phần nào giúp gia đình bớt khổ.
Đến năm 2000, người con trai đầu của ông là Vũ Đình Phong cũng theo hai em vào Nam lập nghiệp, lúc này gia đình ông chỉ còn lại hai vợ chồng và người con út là Vũ Thị Hà. Thấy môi trường trong Nam dễ kiếm sống hơn, vợ chồng ông quyết định đưa nốt cô con gái út vào Nam với 3 con.
Sửa xe đạp, mua xe hơi
Vào Bình Dương, các con của ông Chích đều đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp, vợ chồng ông đã nhiều tuổi không thể làm công nhân nên phải tìm việc ở ngoài. Vốn có nghề sửa xe đạp từ ở quê, ông quyết định mở một quán sửa xe nho nhỏ với mong muốn kiếm được thêm vài đồng mỗi tháng, vợ ông làm công việc nội trợ.
May mắn thay, ngay từ lúc mới mở quán, cửa hàng của ông đã rất hút khách. Do địa điểm cửa hàng gần với các khu công nghiệp, công nhân ở đây đi làm chủ yếu bằng xe đạp nên ông không bao giờ thiếu việc. Hơn nữa, với bản chất thật thà, chất phát, cẩn thận trong cộng việc nên ông Chích rất được khách hàng tín nhiệm, yêu quý.
Khách hàng mỗi lúc mỗi đông nên nhiều hôm ông phải thức trắng đêm để sửa kịp xe cho khách. Ông tâm sự: “Có những buổi chiều công nhân đi làm về có đến mấy chục người mang xe đến sửa, ai cũng bảo là sáng mai đến lấy sớm để đi làm, thế là tối hôm đó tôi lại phải thức cả đêm để làm cho xong. Để kiếm được đồng tiền phải chấp nhận khổ sở mới được”.
Số lượng công nhân vào làm trong các công ty ở Bình Dương ngày càng đông nên khách hàng của ông Chích cũng mỗi lúc một nhiều. Thấy bố làm việc quên ăn quên ngủ, các con nhắc nhở ông giữ gìn sức khỏe nhưng ông nói, có thấm gì so với những ngày quần quật vẫn không đủ ăn.
Khi được hỏi về mức thu nhập mỗi tháng từ nghề sửa xe đạp, ông cười đáp: “Tháng nhiều bù tháng ít thì trung bình mỗi tháng lãi khoảng hai chục triệu”. Mức thu nhập so với thời giá bây giờ không phải là quá “khủng” nhưng cũng là niềm mơ ước của nhiều người và đủ để khiến người ta nể phục.
Làm ra tiền nhưng ông không chi tiêu hoang phí. Ông luôn căn dặn vợ con: “Cái cốt của người làm ăn là phải biết tiết kiệm, phải chi tiêu sao cho thật hợp lý, nếu không biết chi tiêu thì dù
làm ra bao nhiêu cũng hết”.
Với mức thu nhập đó, ông đã dành dụm đủ tiền để mua cho hai người con trai mỗi người một chiếc xe ô tôi du lịch 7 chỗ ngồi trị giá hàng tỷ đồng. Hai con trai của ông giờ đã chuyển sang lái xe, phục vụ khách du lịch.
Lúc đầu ông hành nghề sửa xe đạp nhằm mục đích mưu sinh. Nay khi cuộc sống đã sung túc, ông vẫn cần mẫn bên những vành xe vì chữ tín và tình thương. Ông tâm sự: “Cái nghề này đã ngấm vào máu của tôi rồi, tôi không thể bỏ được. Khách hàng đã tin tưởng tôi thì tôi phải tận tình phục vụ họ”. Nhiều khi gặp những công nhân nghèo khổ đến sửa xe đạp, ông sửa giúp không lấy tiền, như để nhớ một thời khốn khó của gia đình.
Thấu hiểu nỗi khổ cực của người ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp, ông Chích luôn giúp đỡ tận tình các công nhân xa quê mỗi khi có cơ hội. Ông kể có lần có một cô gái chừng 18 - 19 tuổi, quê Thanh Hóa, vào Bình Dương làm ăn. Cô gái đến cửa hàng ông hỏi mua xe đạp. Biết ông không có, cô gái năn nỉ ông hỏi mua giúp một chiếc xe đạp với giá 1 trăm nghìn bởi trong người cô gái lúc đó chỉ có số tiền đó. Thương cô gái cũng như con gái mình, ông Chính đã tự bỏ tiền túi ra mua một chiếc xe đạp với giá 300.000đ rồi vờ là xe nhà mình, đem cho cô gái mượn.
Câu chuyện cảm động như cổ tích ấy, có lẽ ở thời buổi xô bồ đầy bon chen này, thật khó gặp!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn