Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng như đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), qua thanh tra, giám sát đã chỉ rõ hàng loạt sai sót, bất cập trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ…
Làm đường một nơi, thu phí một nẻo
Tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh có chiều dài 16 km, do Tổng Công ty MTV Hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Dự án hoàn thành vào năm 2009. Để thu hồi vốn, chủ đầu tư đã được các bộ ngành liên quan cho phép thu phí tại trạm thu phí Cầu Rác, trên Quốc lộ (QL) 1 (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) - cách đường tránh TP Hà Tĩnh hơn 30 km.
Trạm thu phí Bến Thủy 1 nhiều lần bị người dân đưa ô tô lên tụ tập phản đối do đặt "nhầm chỗ" Ảnh: Đức Ngọc
Việc trạm thu phí không đặt trên tuyến tránh TP Hà Tĩnh mà đặt trên QL1 đã khiến trong suốt thời gian dài, nhiều người dân không đi một mét nào trên tuyến tránh này vẫn phải đóng phí cho chủ đầu tư. Vì lý do này, trong tháng 4 và tháng 5-2017, người dân huyện Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ An nhiều lần kéo lên trạm phản đối. "Chúng tôi từ Kỳ Anh ra TP Hà Tĩnh không đi qua tuyến tránh nhưng vẫn phải đóng phí là quá vô lý" - anh Lê Thanh Nghị (trú thị xã Kỳ Anh) bất bình.
Tại tỉnh Thanh Hóa, tuyến đường tránh TP Thanh Hóa đi vào hoạt động từ năm 2009. Tuyến tránh này dài 10 km, tổng mức đầu tư 822 tỉ đồng, do Công ty BOT Đường tránh Thanh Hóa tiếp quản từ Bộ GTVT. Để thu hồi vốn, trạm thu phí Tào Xuyên lại được dựng lên và đặt trên QL1 (xã Hoằng Lý, TP Thanh Hóa), cách tuyến đường tránh khoảng 2 km. Sau khi bị vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân TP Thanh Hóa và một số huyện lân cận, chủ đầu tư dời trạm ra vị trí mới, tại Km 286+00 đến Km 286+500 trên QL1 (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn). Tuy nhiên, sau khi dịch chuyển ra Bỉm Sơn, trạm thu phí Tào Xuyên lại bị người dân thị xã Bỉm Sơn và tỉnh Ninh Bình phản đối kịch liệt. Kết cục là ngày 10-8 vừa qua, trạm thu phí Tào Xuyên chính thức được Bộ GTVT yêu cầu dừng thu phí. Theo tính toán ban đầu, trạm thu phí này sẽ thu phí hoàn vốn trong vòng 27 năm 8 tháng. Tuy nhiên, sau khi tính toán, Bộ GTVT đã cho dừng thu phí sớm hơn 20 năm so với dự định ban đầu do công ty đã… làm ăn có lãi.
Không phải BOT cũng thu
Trạm thu phí Bến Thủy I và II, tỉnh Nghệ An do Tổng Công ty Công trình giao thông 4 (Cienco4) thu phí để hoàn vốn cho các dự án BOT tuyến đường tránh TP Vinh; dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy đến đường tránh TP Hà Tĩnh; tiểu dự án cầu vượt QL8B (cũ) với QL1. Ngoài ra, trạm thu phí này còn phục vụ việc thu hoàn vốn cho các dự án không mấy liên quan đến việc lưu thông trên QL1, như: dự án cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc - Nam; dự án cầu đường bộ Yên Xuân. Tổng mức đầu tư cho các dự án này khoảng hơn 4.200 tỉ đồng.
Thực tế, với vị trí đặt trạm thu phí kiểu "đơm đó" ngay đầu cầu Bến Thủy I và II (được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước) rất nhiều người tham gia giao thông đang phải đóng phí cho các công trình mà họ không hề sử dụng.
Vì không thể chấp nhận bất hợp lý, quyền lợi bị xâm hại, trong năm 2016, người dân đã nhiều lần đưa ô tô, xe tải lên án ngữ các trạm Bến Thủy. Sự việc buộc UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, đề nghị di dời trạm thu phí này về tuyến đường BOT. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hai trạm thu phí này vẫn "án binh, bất động", bất chấp bất bình của người dân.
Không chỉ một vài trạm, việc lập trạm thu phí sai chỗ, ghép dự án để tận thu đang diễn ra ở nhiều địa phương. Qua thanh tra việc đầu tư, quản lý các dự án BOT giao thông, môi trường tại Bộ GTVT với 7 dự án, TTCP phát hiện những bất hợp lý tại trạm thu phí Lương Sơn, đặt trên QL6 (thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Cụ thể quyết định đầu tư ghép việc cải tạo nâng cấp QL6 với đầu tư xây dựng mới đường Hòa Lạc - Hòa Bình thành một dự án và đặt trạm thu phí ở cả 2 tuyến này. Theo TTCP, khi dự án đi vào khai thác, việc thu tăng mức phí đối với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến QL6 để bù đắp vốn đầu tư đoạn tuyến Hòa Bình - Hòa Lạc trong khi không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc xác định giá, phí hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
TTCP cũng phát hiện nhiều bất hợp lý trong quyết định đầu tư ghép việc cải tạo, nâng cấp 7 km QL3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và đặt trạm thu phí ở 2 nơi. Cũng giống như trạm Lương Sơn, TTCP kết luận việc ghép 2 dự án và đặt 2 nơi thu phí là trái quy định của Nghị định 108.
Bỏ qua ý kiến người dân
Tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ QH mới đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký QH, đã chỉ ra thực trạng có một số dự án, đường nhà nước đã làm sẵn, nhà đầu tư BOT vào nâng cấp, chỉ có tráng đường một ít, đầu tư thêm 1 lớp bên trên rồi thu phí. "Như Tiền Giang, dự án trên QL1A chỉ là như thế (chỉ tráng một lớp trên mặt đường) và cuối cùng thu phí cao hơn cả cao tốc Trung Lương, vì thế nên dân bức xúc là đúng" - ông Phúc dẫn chứng.
Điều đáng nói là theo báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ QH, nhiều dự án BOT giao thông được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo đã hạn chế sự lựa chọn của người dân. Các địa phương trong quá trình góp ý về vị trí trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường... Chính vì lý do này mà trong hầu hết các trạm thu phí như nói trên và mới nhất là trạm BOT Cai Lậy bị người dân phản đối quyết liệt do quyền lợi bị xâm hại.
Nói về thực trạng thu phí BOT giao thông hiện nay, ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch QH, đánh giá là thiếu minh bạch. "Quy định đặt trạm BOT yêu cầu phải tham khảo ý kiến người dân nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn hoặc thực hiện hình thức, một số nơi thì áp đặt" - ông Tỵ nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, đặt ngay câu hỏi cho chính Bộ GTVT: "Vì sao làm đường hiện đại hơn mà dân không thích, thậm chí dẫn tới tình trạng né trạm thu phí? Phải sớm giải quyết bức xúc nếu không nó thành vấn đề xã hội".
Kỳ tới: Phí cao, trạm dày đặc
Tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án thiếu chuẩn đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài. "Những bất cập đó theo từng góc độ đều có ảnh hưởng nhất định đến lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và đặc biệt với người dân tham gia giao thông" - kết luận của TTCP nhấn mạnh.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn