Quen nhau, yêu nhau từ thời còn là những cô cậu sinh viên tại Hà Nội, Văn Tuyến (SN 1988, quê Hà Tĩnh) – Diệu Lam (SN 1991, quê Yên Bái) đã đi đến một cái kết có hậu là hôn lễ được tổ chức vào đúng ngày 1/1/2018 vừa qua. Tạm xa gia đình để về nơi xa lạ làm dâu, cô dâu mới Diệu Lam cũng không giấu nổi những cảm xúc của mình.
“Chúng tôi đều là dân tỉnh lẻ ra Hà Nội lập nghiệp, nên mặc dù rất muốn về chung một nhà nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng, phấn đấu vì sự nghiệp. Sau 3 năm tốt nghiệp đại học, ngày 1/1/2018 vừa qua chúng tôi đã chính thức trở thành vợ chồng”, cô dâu mới Diệu Lam chia sẻ niềm hạnh phúc của mình.
Mặc dù nói là về Hà Tĩnh làm dâu, nhưng cả hai vợ chồng chị hiện đều đang sinh sống tại Hà Nội, vì thế gần Tết Nguyên Đán chị Diệu Lam cũng có chút lo lắng, hồi hộp bởi đây là năm đầu tiên chuẩn bị về quê chồng ăn Tết.
Nàng dâu Diệu Lam cho hay: “Nhà chồng tôi có 5 anh chị em, một chị gái đã đi lấy chồng, còn 4 anh em trai thì chỉ có chồng tôi đã lập gia đình. Vì thế, tuy không phải dâu trưởng trong nhà nhưng cũng là năm đầu tiên tôi được ăn Tết với gia đình chồng nên cảm thấy hồi hộp”.
Mặc dù vậy, theo lời của cô dâu mới Diệu Lam, vì gia đình nhà chồng cũng ở trong quê như gia đình chị, nên việc chuẩn bị bày biện lễ lạt đã được bố mẹ chồng tâm lý chuẩn bị sẵn.
Diệu Lam chia sẻ: “Bố mẹ chồng tôi hiền lành, chân chất nên ông bà cũng không câu nệ chuyện con dâu phải giỏi giang bếp núc hay làm mọi thứ trong nhà.
Thi thoảng, tôi vẫn thường gọi điện video về hỏi thăm bố mẹ chồng và cũng hay trêu đùa là “Mẹ ơi! Năm nay con về làm dâu nhưng con nói thật là con không biết gói bánh chưng đâu mẹ nhé”. Khi nghe tôi nói đến đây, mẹ chỉ cười và còn vào hùa “không sao, mẹ cũng không biết gói, con chỉ việc về nhà còn gói bánh để các anh chồng, chồng và bố chồng lo”. Thế là, cả hai mẹ con được trận cười sảng khoái”.
Chị Diệu Lam cho biết, năm nay 27 âm lịch chị sẽ cùng chồng về Hà Tĩnh ăn Tết, mặc dù bố mẹ chồng đã lo mua sắm hết rồi nhưng chị cũng nhận thấy mình cần có trách nhiệm với gia đình. Vì thế, chị cũng xin tư vấn từ những người chị đã lập gia đình của mình: “Tôi có xin tư vấn của các chị gái về việc năm đầu tiên ăn Tết nhà chồng cần phải làm những gì? Rồi nên lì xì bố mẹ chồng ra sao?... Không phải để bên nhà chồng thấy mình cố lấy lòng mọi người, mà để thể hiện được tấm chân tình của một nàng dâu mới”.
Tương tự như cô dâu Diệu Lam, cô dâu Nguyễn Thúy (Hà Nội) cũng vừa kết hôn vào tháng 10/2017. Vì năm đầu tiên làm dâu mới, nên chị Thúy cũng cho hay, chị có nhiều cảm xúc.
“Gần đến ngày Tết tôi cũng thấy lo lắng, thậm chí hỏi mẹ chồng xem nhà có cần mua sắm gì thêm không. Mẹ chồng cứ nói là không phải mua gì nữa, nhưng là phận dâu mới tôi cũng quan sát để mua sắm thêm, làm sao cho bố mẹ và anh em họ hàng nhà chồng có ấn tượng tốt về mình”, chị Thúy cho biết.
Năm nay là năm đầu tiên chị Thúy ăn Tết xa cha mẹ ruột nên càng gần đến ngày Tết tâm trạng chị càng ngổn ngang: “Tôi quê Hải Dương lấy chồng ở Hà Nội, năm nay là năm đầu tiên về làm dâu, không được ăn Tết ở nhà bố mẹ đẻ tôi cũng cảm thấy buồn. Tôi không biết giao thừa năm nay mình có rơi nước mắt vì nhớ nhà không nữa”.
Chia sẻ thêm với PV báo Người Đưa Tin, cô Lê Thị Anh (SN 1956) mẹ chồng của chị Diệu Lam cũng cho biết, Tết Nguyên Đán năm nay nhà bà có một nàng dâu mới, đây có lẽ là cái Tết đặc biệt và đáng nhớ nhất đối với cả gia đình. Bà Anh nói:
“Năm đầu tiên có con dâu mới nên chúng tôi cũng vui lắm, vì nhà có thêm người. Tôi cũng thường gọi điện dặn con dâu không phải lo lắng sắm lễ vật gì cả, chúng tôi ở quê cũng không cần quá câu nệ.
Tôi cũng đi làm dâu nên hiểu cảm giác của cô dâu mới, chỉ mong sao con dâu năm đầu tiên về ăn Tết nhà chồng được thoải mái nhất”.