Nghệ An: Người đàn bà từ cõi chết trở về

Thứ sáu - 09/06/2017 20:51
Người đàn bà ấy đã từng bị Bệnh viện Ung bướu Trung ương trả về, gia đình đã rục rịch lo hậu sự. Nhưng còn nước còn tát, ai nói gì, mách bảo ở đâu có thuốc đặc trị, người thân của chị đều làm tất cả chỉ mong kéo dài thêm sự sống.
Thậm chí, khát sống đến độ, có người mách nước nuốt sống thằn lằn để chữa bệnh, chị đã cắn răng nuốt trên 250 con. Kỳ lạ thay, chị từ một người chờ chết đã khước từ chuyến đò về âm phủ, khoẻ mạnh trở lại cho đến tận hôm nay.
 
Hành trình tự cứu mình
 
Năm 2010, một buổi sáng thức dậy, chị Lê Thị Ngũ (SN 1958) trú khối Mai Hắc Đế (thị trấn Nam Đàn) bỗng phát hiện sau gáy tai mình xuất hiện những khối u nhỏ như hạt đậu, những ngày sau nó có biểu hiện lớn dần. Băn khoăn không hiểu mình bị gì, chị xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An lấy tế bào xét nghiệm, rồi được chuyển qua Bệnh viện Lao và Bệnh phổi và nằm điều trị ở đó hai tháng. Sau thời gian điều trị, một năm rưỡi sau, bệnh lại tái phát. Lần này, những khối u nhọt xuất hiện ở chỗ oái oăm hơn, đó là trong phổi.
 
Nghi ngờ bị ung thư phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An giới thiệu ra Bệnh viện K Trung ương (Bệnh viện Ung Bướu TW). Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành xạ trị, điều trị nhưng không ai dám lấy tế bào trong phổi để xét nghiệm do sức khỏe chị quá yếu. Và cuối cùng, chị được chẩn đoán hoặc là bị u phổi, hoặc là bị lao hạch. Khoảng thời gian 2 tháng nằm ở Bệnh viện K, tinh thần chị suy sụp, đinh ninh mình bị ung thư phổi, vô phương cứu chữa. Với chị và gia đình lúc bấy giờ mà nói, đó thực sự là một tin “sét đánh  giữa trời quang”. 
 
Chị Ngũ nhớ lại, khoảng thời gian ấy, cơ thể chỉ còn da dính lấy xương, hốc mắt trũng sâu, hơn 45 ngày điều trị, không ăn được, không ngủ được, mỗi ngày phải chuyền 3 bình dung dịch và thuốc uống không biết bao nhiêu lần, nhưng bệnh tình ngày càng nặng, chị lại bị tràn dịch màng phổi và dịch ở tim, chuyển từ bệnh viện này qua bệnh viện khác để hút dịch, rồi phải thở bằng oxy. “Trông tôi lúc đó đáng sợ lắm, một người chờ chết, ốm yếu, tàn tạ, kiệt quệ, chẳng còn từ gì hơn để diễn tả, bác sỹ phải lắc đầu và nói cho về nhà để sống những ngày ngắn ngủi cuối đời cạnh người thân. Chồng con tôi thu xếp đưa tôi về nhà”, chị Ngũ hình dung lại. 
 
Chị Lê Thị Ngũ hôm nay
 
Còn nước còn tát, về nhà, chồng chị lại thuê xe đưa vợ trở lại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi với hy vọng kéo dài sự sống ngày nào quý thêm ngày ấy. Những ngày ở đây, người thân, bạn bè chị tập trung đầy đủ, khóc lóc, đau đớn chứng kiến chị nằm trên băng ca ốm yếu để sống những giây phút cuối. May mắn thay, tại Bệnh viện, chị gặp lại một người bạn cũ, hiện đang công tác ở đây. Người này đã xem lại đơn thuốc điều trị từ Bệnh viện K Trung ương và phát hiện ra, trong danh mục 5 loại thuốc điều trị cho chị, chỉ có một loại đặc trị cho bệnh u phổi.
 
Sau khi gia đình ký cam kết, Bệnh viện tiến hành lấy tế bào ở phổi đi xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm tế bào, mọi người mới phát hiện đó không phải là u phổi, mà là lao hạch. Nhận thấy là một ca hết sức đặc biệt, mặc dù trước đó các bác sỹ ở Bệnh viện K Trung ương lắc đầu, các bác sỹ ở đây vẫn tiến hành lập một hội đồng hội chẩn và lên phác đồ điều trị đặc biệt. Sau hơn 2 tháng điều trị ở đây, chị Lê Thị Ngũ được Bệnh viện cho về nhà, sức khỏe có phần tiến triển. 
 
Nuốt sống hơn 250 con thằn lằn để chữa bệnh
 
Lần thứ hai bị bệnh viện trả về, chị Ngũ và gia đình rất bấn loạn, dù lần này không đến mức tuyệt vọng như lần trước, nhưng ai cũng sống trong tâm trạng chán nản, nhất là với chị. Song may mắn, chị vẫn còn chỗ dựa tinh thần, ấy là người chồng rất mực yêu vợ. Anh đã ở bên chị suốt cả chặng đường, cùng chiến đấu chống lại căn bệnh quái ác, không buông xuôi dù xuất hiện một tia hy vọng cực kỳ nhỏ nhoi. Trong suốt thời gian ấy, ai mách bảo cách chữa gì, chồng chị đều cố gắng tìm kiếm và động viên chị để lấy lại tinh thần. Trong đó, rùng rợn nhất vẫn là nuốt sống thằn lằn (thạch sùng), mà không phải nuốt 1 hay 2 con, để chữa trị, chị phải cắn răng, nhắm mắt nuốt trôi hơn 250 con thằn lằn sống. 
 
Nhớ lại chuyện này, chị liên tục rùng mình, nổi da gà. Cho đến bây giờ, chị Ngũ vẫn còn nguyên cảm giác khi nuốt từng con thằn lằn, nhưng rồi, khát khao sống đã giúp chị vượt qua tất cả. Gần 3 tháng ròng, hơn 250 con thằn lằn sống đi vào cơ thể chị. Và cũng kỳ diệu thay, chị đã khỏe mạnh trở lại. Sức khỏe tiến triển từng ngày, chị ăn được, chuyện trò được, da dẻ hồng hào và một ngày nọ bỗng đứng dậy bước đi như người bình thường. Giờ đây, chị đã có hai cháu ngoại và công việc thường ngày của chị Lê Thị Ngũ là chăm sóc gia đình, nuôi gà, trồng rau.
Theo Thành Thảo - Cẩm Vân (Báo Công An Nghệ An)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây