Sơ đồ hướng xả lũ khi thủy điện An Khê - Kanak bị lũ lấp - Đồ họa: V.Cường |
Ngày 19-11, PV Tuổi Trẻ đến tận nơi và thấy toàn bộ nhà máy thủy điện tràn ngập trong đất cát.
“Mưa to, lũ lớn gây ra thảm họa bất ngờ. Bây giờ chúng tôi chưa thể nói đến thiệt hại nhưng chắc chắn phải trên 30.000m3 đất cát vùi lấp nhà máy và các hạng mục công trình, thiết bị và hiện tại phải tạm dừng hoạt động” - giám đốc thủy điện An Khê - Kanak Võ Lũy bàng hoàng.
Lũ kinh hoàng
Giám đốc Võ Lũy kể: “7g35 sáng 15-11, mưa như trút nước ở khu vực nhà máy và phía sau lưng là đèo An Khê. Nhà máy nằm dưới chân đèo, cách núi khoảng 1km (thuộc địa bàn xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định). Lũ đổ dồn về nhà máy với lưu lượng rất lớn. Đến khoảng 11g cùng ngày thì nước xé toang suối Đá chảy bên cạnh nhà máy. Sau đó, bờ đất ngăn cách giữa suối Đá và kênh xả Nhà máy An Khê bị vỡ tung trong lũ, hệ thống tiêu năng (hãm lực nước) được đúc bằng bêtông cũng bị lũ xiết tràn qua và làm vỡ trên chiều dài khoảng 40m”.
Liên tiếp sau đó, nhiều đoạn đê ngăn cách giữa suối Đá và kênh xả cũng bị nước lũ ào ào tràn qua. Toàn bộ đất cát, sỏi đá theo lũ đổ tràn về nhà máy và trạm phân phối điện. Nghiêm trọng hơn, lượng đất cát dồn lấp vào đường kênh xả và chặn toàn bộ nước từ tuôcbin nhà máy thoát ra sông Côn.
Một công nhân kéo ống nhựa để vệ sinh khuôn viên Nhà máy thủy điện An Khê chiều 19-11 - Ảnh: Tiến Thành - Thái Bá Dũng |
Trưa qua, ông Võ Lũy đồng ý đưa PV Tuổi Trẻ tiếp cận hiện trường. Hơn 100 kỹ sư, công nhân của nhà máy đang cật lực dọn dẹp, rửa cọ các thiết bị. Khoảng 40 người dân sống ở khu vực xung quanh nhà máy được thuê vào để cào dọn đất cát.
“Chúng tôi huy động hai máy xúc và hàng trăm kỹ sư, công nhân dọn dẹp nhưng giờ vẫn chưa đâu vào đâu. Dự kiến phải mười ngày nữa mới dọn dẹp xong” - ông Lũy nói.
Bao quanh nhà máy là các công trình phụ trợ như trạm thu gom nước, nhà máy lọc nước, trạm phân phối điện cũng ngập chìm trong cát. Đứng từ trên cao nhìn xuống nhà máy, nhiều hạng mục công trình bị đất cát vùi lấp, có nơi cát vùi cao tới 2-3m.
Theo ông Lũy, Nhà máy An Khê - Kanak tại Tây Sơn lấy nước thông qua kênh dẫn dòng từ hồ An Khê (thị xã An Khê). Lượng nước về nhà máy trung bình 50m3/giây.
Trước thời điểm xảy ra sự cố, các tổ máy vẫn hoạt động bình thường nhưng sau khi nước tràn vào, toàn bộ hai tổ máy phát điện bị tê liệt, nước và cát cũng tràn vào gây ngập một số hạng mục, thiết bị phía bên trong. Hệ thống kênh xả bị cát vùi lấp làm nước thoát ra bị ách tắc lại ngay cửa xả của nhà máy, hàng ngàn tấn bùn bị dồn ứ.
Khu vực bị đất cát vùi lấp nặng nhất là ở đường kênh xả nước ra sông Côn (Bình Định). Kênh này có chiều rộng trên 20m, chỗ cạn nhất 15m và nơi sâu nhất đạt tới 23m nhưng giờ đây cát lấp kín trên chiều dài kênh khoảng 500m. Đơn vị phải dùng máy múc, máy hút lớn để thông kênh này thì nhà máy mới có thể hoạt động trở lại.
Đất cát do lũ cuốn phủ dày bên trong nhà máy thủy điện - Ảnh: Tiến Thành - Thái Bá Dũng |
Thị xã An Khê bị nhấn chìm trong lũ xiết
Bốn ngày trôi qua sau trận đại hồng thủy do thủy điện An Khê - Kanak xả lũ, hàng vạn người dân thị xã vẫn chưa hết bàng hoàng. “Tôi sống cả đời ở đây, đất An Khê là vùng bán sơn địa, độ dốc cao mà bị ngập chìm trong lũ là chuyện không ai ngờ” - cụ Lê Thì (85 tuổi, sống bên bờ sông Ba, thị xã An Khê) kể.
Chính quyền thị xã An Khê rất bức xúc về trách nhiệm của nhà máy thủy điện. Chủ tịch UBND thị xã An Khê Lê Thanh Tâm khẳng định không hề nhận bất cứ một văn bản nào từ nhà máy thủy điện thông báo trước khi xả lũ.
“Thậm chí họ cũng không hề gọi điện thoại báo cho chính quyền biết về việc xả lũ. Ngày 15-11, đích thân tôi chạy vào chạy ra hỏi thăm lãnh đạo nhà máy liên tục. Sáng hỏi, họ nói xả 900 m3/giây, trưa họ nói xả 1.200 m3/giây. Thấy nước sông Ba dâng cao nhanh mấp mé bờ, tôi gọi, họ bảo xả 2.400 m3/giây. Khi bất lực nhìn thị xã chìm trong biển nước, tôi rất hoài nghi về số liệu đó” - ông Lê Thanh Tâm nói.
16g ngày 15-11, thị xã An Khê bị ngập hoàn toàn trong lũ dữ. “An Khê bị cô lập hoàn toàn suốt từ 16g đến 21g ngày 15-11.
Đó là đêm sợ hãi kinh hoàng. Không sơ tán kịp, mà sơ tán thì cũng chẳng đưa dân đi đâu, ngoài việc kêu gọi dân leo lên nhà cao tầng.
Bị cô lập hoàn toàn bốn hướng. Phía trên thì cầu An Khê độc đạo bị ngập sâu 1,2m, phía dưới đèo An Khê tắc do sạt lở sáu điểm, đường vào huyện Kông Chro gặp suối Cái ngập 1,8m, đường ra huyện K’Bang thì suối Vối ngập 1,4m” - bí thư thị xã An Khê Trịnh Duy Thuân bức xúc.
Phía sau Nhà máy thủy điện An Khê, đất cát vùi lấp gần ngập mái nhà kho - Ảnh: Tiến Thành - Thái Bá Dũng |
Trâu bò, gà vịt, mía sắn, hoa màu cây trái trù phú ven sông Ba đã bị cuốn phăng trong dòng lũ xiết. Đến chiều 19-11, thị xã An Khê vẫn còn trong xơ xác.
Theo BẢO TRUNG - THÁI BÁ DŨNG tuoitre.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn