Bà con nông dân xã Thạch Châu (Lộc Hà) chăm sóc rau màu vụ đông |
Do đất để hoang lâu ngày nên việc làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng gặp không ít khó khăn. Thậm chí, ông bà phải tìm cách cho nước vào ngâm hoai đất mới mong cuốc được cỏ lên chất đống quanh bờ.
Ông Nghệ cho biết: “Vụ xuân này, gia đình tôi trồng gần 5 sào lúa, nhưng do đất để lâu ngày không sản xuất nên việc vệ sinh ruộng đồng rất vất vả. Không phải vì chúng tôi không mặn mà với nghề làm ruộng, nhưng do gặp quá nhiều khó khăn: phần vì thời tiết gây hại không sản xuất được, phần do giao thông nội đồng, nguồn nước phục vụ sản xuất. Cho nên cả năm chúng tôi chỉ mong làm được vụ xuân”…
Nằm ngay trước và sau khu trung tâm hành chính huyện, nhưng cả mấy cánh đồng của xã Thạch Bằng hầu như vẫn “ngủ đông”. Tình trạng này không chỉ có ở những vùng đất cao cưỡng hay đất pha cát, mà cả những địa phương từ lâu có tiếng là vựa lúa, vựa rau màu của huyện Lộc Hà.
Tại xã Ích Hậu, những năm trước đây, vụ đông luôn được chính quyền và người nông dân quan tâm triển khai với trên dưới 100 ha rau màu các loại. Trong số 5 thôn, thôn Lương Trung luôn đi đầu với phong trào sản xuất rau xanh truyền thống. Rau màu vụ đông đã đem lại thu nhập 10-30 triệu đồng/vụ cho không ít gia đình, làm thay đổi cách nhìn về vụ sản xuất thứ 3 này. Thế nhưng, vụ đông năm nay, hàng chục ha đất lại bỏ hoang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Xuân Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho hay: Do ảnh hưởng các yếu tố khách quan như thời tiết, sâu bệnh, cộng với tư tưởng chán nản của bà con khi làm đi làm lại mấy lần vẫn không có kết quả nên đành chấp nhận đất bỏ không. Để khuyến khích sản xuất vụ đông, ngoài nguồn hỗ trợ của huyện, xã đã trích 30 triệu đồng hỗ trợ giống khoai, rau mới. Kế hoạch đề ra sẽ cơ cấu trên 30 ha, nhưng nay rải rác cũng chỉ đạt trên dưới 4-5 ha; còn lại có cũng như không. Nếu như trước đây, thôn Lương Trung nhìn đâu cũng bạt ngàn màu xanh của rau thì nay chỉ còn trơ đất…
Vụ đông 2013, theo kế hoạch, toàn huyện Lộc Hà trồng trên 579 ha, cơ cấu chủ yếu các giống ngô, khoai và rau xanh các loại. Do mùa mưa đến sớm; ảnh hưởng của bão số 10, 11 đã làm thiệt hại hàng trăm ha trên toàn huyện. Bà con nhiều nơi cũng đã căng sức để mong bổ cứu lại sản xuất, nhưng việc đáp ứng đúng kế hoạch ban đầu là điều không thể. Được xem là thành công nhất trong vụ đông năm nay như Thịnh Lộc cũng chỉ đạt hơn 50% so với kế hoạch. Mặc dù lịch xuống giống cho vụ xuân 2014 đã đến, nhưng với thực trạng “ngủ đông” của hàng trăm ha đất suốt nhiều tháng qua không chỉ khiến cỏ mọc mà còn gây lãng phí rất lớn.
Giải quyết vấn đề này không chỉ nỗ lực của chính người nông dân bên luống cày góc ruộng của mình, mà còn có vai trò chỉ đạo, điều hành của người làm chuyên môn và cấp ủy, chính quyền các cấp.
Theo Trâm Anh Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn