Ông Dũng bên vườn bơ của mình. Ảnh: Trang Anh |
Lão nông Nguyễn Tấn Dũng (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) trước đây từng là “đại gia” với 4.000 trụ tiêu. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm trồng và chăm sóc số tiêu của gia đình ông bỗng dưng khô héo rồi chết.
“Do lúc đó tiêu giá cao nên gia đình tôi mở rộng diện tích, tuy nhiên sau đó tiêu cứ vậy rớt giá rồi còn chết đồng loạt nữa. Ban đầu cũng có ý định khôi phục, nhưng thấy tiêu cứ chết dần, chết mòn nên quyết định phá luôn 30% tiêu sống còn lại, mua hơn 400 gốc bơ về thử nghiệm”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, bơ dễ trồng và ít công chăm sóc, ít mắc bệnh tật hơn so với cà phê, tiêu…Vào ba năm đầu chỉ cần tưới nước đầy đủ để bơ phát triển nhanh hơn, còn sau đó thì không cần thiết. Còn về phân bón thì gia đình ông bón rất ít do lượng phân cho cây tiêu vẫn còn trong đất nên bơ “mót’ lại được.
Trời không phụ lòng người, chỉ sau 5 năm bỏ ra ít công chăm sóc, vào lứa đầu thu bói gia đình ông đã mang về 300 triệu đồng.
Chỉ sau thời gian chăm sóc, gia đình ông đã thu về 300 triệu đồng/năm. Ảnh: Trang Anh |
Không chỉ dừng lại ở 400 gốc bơ thường, gia đình ông còn trồng thêm nhiều loại bơ sáp, bơ booth, bơ mỹ... Đặc biệt, gia đình ông chú trọng vào giống bơ mỹ và đưa giống này về cấy ghép trên thân cây bơ thường. Loại bơ này tuy số lượng quả không được nhiều như bơ sáp, nhưng chất lượng rất tốt, không chứa hàm lượng đường nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo ông Dũng, nếu như cấy ghép giống bơ mỹ lên bơ thường khoảng 6 tháng chăm sóc đã cho thu hoạch. Còn nếu trồng gốc bơ xuống đất sẽ mất 4-5 năm mới có thể cho thu hoạch.
Không chỉ dừng lại việc trồng bơ, ông Dũng còn tiến hành mở thêm vườn ươm, cắt ghép những giống mới để có được những giống mới, nhanh thu hoạch. Hiện tại, vườn ươm của ông có gần 50.000 cây giống, trong đó nhiều nhất là bơ mỹ với 25.000 gốc.
Lão nông chia sẻ, để ghép bơ mỹ vào gốc bơ thường thì khi chọn mầm để cắt, ghép vào những gốc bơ mẹ không được chọn mầm quá già, cũng không quá non. Mầm phải to, mập mạp, xanh và phát triển mạnh thì khi ghép tỷ lệ sống mới cao.
Còn đối với cây mẹ, là cây bơ thường cũng phải chăm sóc cây thật khỏe mạnh, khi cây đủ lực ghép mầm vào chồi sẽ lên nhanh, những cây bơ mẹ lá vàng, yếu, bị thối khi cắt, ghép mầm sẽ không lên được và nguy cơ chết cao.
Ngoài trồng bơ thường ông còn tìm thêm các giống bơ khác, đặc biệt là bơ mỹ về ghép lên bơ thường. Ảnh: Trang Anh |
Theo ông Dũng, thời gian để một một chồi non nhú lên khoảng 20 ngày sau khi cắt ghép, nếu cây yếu thì từ 25 ngày đến 1 tháng. Trong thời gian cắt, ghép không cần phải chăm sóc nhiều, nếu gốc quá khô thì cần bổ sung thêm nước cho cây.
“Đặc biệt, chu kỳ bón phân phải đợi đến khi đoạn ghép cây đã nứt mầm, khi đoạn ghép ra chồi rồi mới bón phân. Không những thế, nếu tưới nước thường xuyên và bón phân hóa học vào cây mẹ sẽ bị loãng chất, không dính được với mầm mới ghép. Do đó, nước vẫn có thể tưới số lượng ít, còn phân thì tuyệt đối không được bón vì cây đang phát triển”, ông Dũng chia sẻ.
Ông cũng cho hay, thời điểm thích hợp để cắt, ghép là vào mùa khô, cần hạn chế tối đa mùa mưa vì khi trời mưa lượng nước tích tụ nhiều sẽ làm thối mầm, thối chồi, chồi kém phát triển, tỷ lệ thành công thấp.
rong vườn ươm của ông hiện đang ghép nhiều loại bơ mỹ như: Reed, Pinkerton, Gem hass, Hass, Lamb hass, tất cả các loại giống trên đều được ông lấy từ Đà Lạt. Ảnh: Trang Anh |
Trong vườn ươm của ông hiện đang ghép nhiều loại bơ mỹ như: Reed, Pinkerton, Gem hass, Hass, Lamb hass, tất cả các loại giống trên đều được ông lấy từ Đà Lạt.
“Trước khi cắt, ghép khoảng 20-25 ngày cũng cần cách ly với phân, nếu trước khi ghép đem phân bón vào cây chuẩn bị ghép, mầm mới được ghép trên cây cũng không dính được vì khi đó tế bào cây đang nở, rỗng nên hút phân, nước nhiều sẽ thối nhanh”, ông Dũng cho biết thêm.
Hiện tại, hai vườn bơ lớn ông Dũng đã ghép được khoảng 100 giống bơ mỹ trên thân cây bơ lớn. Còn vườn ươm ông đã ghép được 5 loại giống khoảng 7.000-8.000 cây.
“Thời điểm hiện tại đang là mùa khô nên tôi đang tranh thủ cắt, ghép kịp chuyển giao giống cây đến bà con sau đó, hướng dẫn bà con chi tiết cách cắt, ghép, chăm sóc...”, ông Dũng tâm sự.
Trang Anh
Theo Đời sống & Pháp lý/ vietnammoi
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn