.“Chàng và nàng là hai con người mang hai số phận khác nhau. Chàng bị di chứng của căn bệnh viêm đa khớp, chân tay teo tóp, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ cả vào một tay của người mẹ hiền.
Còn nàng, tuy bị khiếm khuyết cơ thể những vẫn vươn lên, trở thành nữ sinh trường Đại học Thành Đô (Hà Nội). Qua diễn đàn dành cho người khuyết tật, hai người gặp nhau và tình yêu nảy sinh. Vượt qua mọi dị nghị, rào cản từ nhiều phía, nàng đã bỏ ngang giấc mơ đèn sách về quê cầu hôn chàng.
Làng quê nghèo xóm 17 xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) những ngày vừa qua xôn xao bởi đám cưới có một không hai giữa chú rể Nguyễn Bá Kỳ và cô dâu Phan Thị Nga. |
Đám cưới vàng với hình ảnh cô dâu tập tễnh đẩy chú rể nhỏ thó trên chiếc xe lăn đã làm lay động hàng triệu trái tim nhân ái của quê nghèo xứ Nghệ”.
Làng quê nghèo xóm 17 xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) những ngày vừa qua xôn xao bởi đám cưới có một không hai giữa chú rể Nguyễn Bá Kỳ và cô dâu Phan Thị Nga.
Đã 2 tuần trôi qua kể từ ngày diễn ra đám cưới vàng của đôi vợ chồng hết sức đặc biệt này, chúng tôi tìm về đây, mọi người vẫn chưa hết lời khen ngợi và chúc phúc cho hạnh phúc ngọt ngào của đôi trẻ.
Cảm động hơn khi hỏi nhà của đôi tân lang tân nương, một cụ già tóc đã bạc phơ, tay chống gậy tình nguyện dẫn chúng tôi vào tận nơi.
Theo cụ này thì cụ đã gần đất xa trời, sống trọn đời người, đã chứng kiến bao chuyện hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, nhưng đây là lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất cụ thấy viên mãn với một hạnh phúc cảm động đến thế.
Câu chuyện dài về sự bất hạnh
Nguyễn Bá Kỳ sinh năm 1990 trong một gia đình nghèo có hai chị em ở xã Nghi Phong. Tuổi thơ nghèo khó nhưng ấm áp tình cảm gia đình, cậu bé Kỳ cứ thế lớn lên trong vòng tay của bố mẹ, tuy thiếu thốn vật chất nhưng ngập tràn tình thương yêu.
Nhưng rồi, biến cố cuộc đời xảy ra vào năm Kỳ học lớp 4 trường làng, lúc bấy giờ bỗng nhiên em phải nếm trải những cơn đau không rõ nguyên nhân.
Thấy Kỳ vật vã vì nhức buốt, cứ nghĩ em bị chấn thương do mải chơi đùa với bạn bè chứ không ai trong gia đình lại nghĩ em đang mắc căn bệnh hiểm nghèo nên cứ để mặc.
Cho đến năm học đến lớp 6 thì Kỳ thực sự ngã quỵ sau cơn đau tê dại, đến lúc không thể đứng lên được, bố mẹ mới hoảng sợ đưa em đến bệnh viện. Lúc này, mọi chuyện gần như đã rất muộn màng:
Kỳ bị chứng bệnh viêm đa khớp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của tứ chi, lúc mới phát bệnh đặc biệt là đôi chân.
Việc học của em từ ngưng trệ đến dừng hẳn, trụ cột chính của gia đình là bố cũng bỏ bê công việc để theo con đến bệnh viện những mong sẽ tiếp thêm nghị lực cho em vượt qua bạo bệnh.
Nửa năm Kỳ nằm bệnh viện, gia đình rơi vào tình trạng khánh kiệt. Không những không chữa lành được bệnh, mà trong thời gian Kỳ nằm viện, một mất mát lớn lao đã xảy ra đột ngột, ấy là bố em bỗng dưng bỏ mẹ con đi vĩnh viễn.
Đám cưới của vợ chồng Kỳ- Nga làm cảm động cả vùng quê nghèo |
Nhắc lại chuyện này, Nguyễn Bá Kỳ rơm rớm nước mắt, đó là thời điểm của năm 2001, chiều hôm ấy bố còn ở viện chăm em, nhưng tối về đã mất đột ngột sau cơn tai biến mạch máu não. Mọi người giấu nhẹm, không cho Kỳ biết.
Mãi một tuần sau, khi không thấy bố đến viện chăm con như mọi khi, Kỳ vật vã đòi gặp bố thì mẹ em mới nghẹn ngào nói ra sự thật đau đớn tột cùng ấy. Mất đi chỗ dựa tinh thần lớn nhất, Kỳ không còn thiết đến việc chữa trị để phục hồi chức năng, em nằng nặc đòi về nhà.
Kỳ trở thành gánh nặng cho người mẹ trẻ khi đôi chân em mất hẳn cảm giác, teo tóp dần trong khi đôi tay cũng ngày một co quắp, nhỏ lại theo thời gian.
Kỳ chính thức trở thành phế nhân, nằm một chỗ, không tự mình xoay xở được, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào bàn tay chăm sóc của người mẹ hiền.
Nguyễn Bá Kỳ tâm sự, đó là khoảng thời gian khó khăn nhất Kỳ phải đối mặt là nằm một chỗ, đưa đôi mắt đảo quanh khắp căn nhà trống hoắc, Kỳ biết vì mình nên gia cảnh mới ra nông nỗi này.
Bất mãn với số phận, đã hơn một lần Kỳ nghĩ đến cái chết để kết thúc mọi buồn đau cho mình và cho người thân.
Nhưng mẹ Kỳ dường như đọc được ý nghĩ tiêu cực của con trai, bà đã hết lòng động viên, chăm sóc và chính tình cảm thiêng liêng của người mẹ hiền ấy đã thức tỉnh khát vọng sống trong con người Kỳ.
Dù cơ thể gần như bị tê liệt, và chỉ nặng chưa đầy 20 kg nhưng Nguyễn Bá Kỳ vẫn có một nghị lực sống phi thường.
Cầu nối người khuyết tật
Năm 2005, thêm một bước ngoặt số phận nữa đến với Nguyễn Bá Kỳ, sau thời gian 6 năm nằm một chỗ trên giường.
Lúc ấy, tình cờ Kỳ đọc được một bài báo viết về nghị lực vượt lên chính mình và đón nhận danh hiệu “Hiệp sĩ Công nghệ thông tin” của Nguyễn Công Hùng, một người đồng hương đồng cảnh ngộ.
Đọc xong bài báo ấy, Kỳ cứ trăn trở mãi, tại sao họ cũng khuyết tật như mình, họ làm được những điều như thế, còn mình thì không?
Từ đấy, khát vọng vượt qua số phận nhen nhóm trong Kỳ, nhưng nhà em nghèo quá, ước mơ có được một chiếc máy tính để làm quen với thế giới công nghệ thực sự là một điều ước xa xỉ, viển vông.
Nhưng, số phận chưa hẳn đã bạc đãi em khi mà tình cờ, trong một lần được mời giao lưu nhân ngày khuyết tật của xã, Nguyễn Bá Kỳ đã bày tỏ tâm nguyện vươn đến thế giới công nghệ thông tin và may mắn trong số các vị khách mời hôm ấy có người đã ghi nhớ tâm nguyện nhỏ nhoi của em.
Mấy hôm sau, Kỳ như vỡ òa sung sướng khi nhận được bộ máy tính để bàn cóng láng, dù không biết là của ai nhưng em vẫn vô cùng biết ơn. (Sau này vô tình Kỳ biết được đó là quà tặng của một vị công chức của tỉnh).
Từ chiếc máy tính này, Nguyễn Bá Kỳ đã khởi nghiệp thành công, tự mày mò rồi thành lập nên diễn đàn có tên cầu nối người khuyết tật (caunoinguoikhuyettat.com) với mục đích, giúp cho những người đồng cảnh ngộ có diễn đàn để chia sẻ thông tin, tâm tư nguyện vọng và kết nối yêu thương.
Nhưng, có nằm mơ trăm vạn lần Kỳ cũng không dám tin rằng, trang diễn đàn này đã trở thành cầu nối tình duyên cho chính cuộc đời mình.
Một cô gái khuyết tật khác đã biết đến Kỳ, khâm phục nghị lực phi thường của chàng trai bại liệt này đã tìm đến ngỏ lời cầu hôn trong sự ngỡ ngàng của chính Kỳ và những người xung quanh.
Điều giản dị của tình yêu thương
Cách đây một năm, được sự giúp đỡ của bạn bè và bằng nỗ lực của chính mình, Nguyễn Bá Kỳ đã cho ra đời trang web diễn đàn mang tên caunoinguoikhuyetat.com, được đông đảo người khuyết tật trên cả nước biết đến và tham gia, rồi gọi điện, nhắn tin sẻ chia, mong muốn được làm thành viên diễn đàn để lắng nghe và chia sẻ.
Trong số hàng trăm con người thiếu may mắn ấy, có cô gái Phan Thị Nga (SN 1990) đang là sinh viên chuyên ngành Kế toán trường Đại học Thành Đô (Hà Nội). Nga sinh ra trong một gia đình nông dân có 4 anh chị em ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Thuở nhỏ, Nga theo anh chị ra đồng, chẳng may trượt chân ngã xuống hố, bị chấn thương sọ não và di chứng là cánh tay trái bị liệt, co quắp. Cùng với đó là bước chân tập tễnh, đi lại khó khăn.
Ở quê Nga, thường thì con gái chỉ học đến lớp 9 là bố mẹ bắt bỏ ngang ở nhà lấy chồng, hoặc vào Sài Gòn làm công nhân dày da, may mặc nhưng với Nga, thương con tàn tật nên bố mẹ đã bấm bụng cho em học hết lớp 12.
Năm đó, em nộp hồ sơ thi vào trường Đại học Thành Đô chuyên ngành kế toán với tâm niệm, thi là để thử sức mình chứ không mong sẽ đậu đạt.
Nhưng bất ngờ thay, em đã trúng tuyển, được bố mẹ động viên, Phan Thị Nga đã tự tin bước chân vào giảng đường đại học với khát vọng học để thay đổi số phận.
Trong 3 năm học tại đây, Nga như một con ong chăm chỉ nên đã không mấy khó khăn để tốt nghiệp hệ Cao đẳng với tấm bằng loại khá. Không dừng lại ở đó, sau khi xin được việc làm tại một công ty tư nhân, Phan Thị Nga tiếp tục theo học liên thông tại trường để lấy tấm bằng đại học.
Chính trong thời gian này, Nga thường lang thang trên mạng và một lần tình cờ vào trang web của Kỳ. Từ số điện thoại được công khai trên mạng, Nga đã mạnh dạn gọi cho Kỳ để chia sẻ những thông tin về người khuyết tật.
Sau cuộc điện thoại ấy, hai người từ thỉnh thoảng đến thường xuyên liên lạc với nhau hơn và cũng chẳng biết từ khi nào nữa, họ đã thấy trống vắng nếu một ngày không nhắn tin hay điện thoại để hỏi thăm nhau.
Tình cảm ấy ngày càng lớn dần, mặc cho Kỳ cũng nói thật cho Nga hay, rằng mình chỉ là một phế nhân, ăn nằm một chỗ, cơ thể chỉ như cậu bé chưa đầy 10 tuổi.
Nhưng với Nga, đó đâu phải là điều cô bận tâm, với Nga, cái mà cô hạnh phúc nhất chính là việc đã lâu lắm rồi, kể từ khi Nga biết nhận thức được cuộc sống, chưa có ai ngoài Kỳ mang lại cho cô sự chia sẻ từ tâm, thật lòng và chân tình như vậy.
Với tất cả sự tự tin, tháng 11/2011, trong dịp nghỉ học giữa kỳ, trở về nhà ở Hà Tĩnh, Nga đã quyết định một mình đạp xe đạp vượt hơn 20 cây số sang nhà thăm Kỳ ở xã Nghi Phong. Đó là một cuộc gặp gỡ mang nhiều dấu ấn cho cả hai người.
Với Nga, ngoài tình yêu nhen nhóm bấy lâu, giờ còn là tình thương. Nhìn thấy Kỳ héo hắt như tàu lá, cô đã cầm lòng không đặng.
Còn với Kỳ, trước tấm chân tình của người con gái, anh chỉ biết thầm trách số phận sao lại quá cay nghiệt với mình, bởi anh luôn mặc cảm bản thân trước Nga, một cô gái mà với Kỳ thì tuy khiếm khuyết về cơ thể nhưng lại hoàn hảo về tính cách.
Và Kỳ cảm mến, yêu thương Nga cũng từ những điều đơn giản như vậy.
Đón đọc kỳ II: Đám cưới của nữ sinh viên và chàng trai bại liệt