Bán thuốc lá gần trường học phạt 4 triệu

Thứ sáu - 09/06/2017 03:26
Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, trong đó có quy định những hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá và rượu.

Cấm bán thuốc lá gần trường học, bệnh viện

Theo Dự thảo, hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán theo quy định sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Tại Điều 32 “Hành vi vi phạm về mua, bán thuốc lá” cũng nêu: bán thuốc lá phía ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó thì bị phạt từ 3 - 4 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân vi phạm vào điều trên còn bị phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm thuốc lá từ 1 - 3 tháng.

Dự thảo cũng đưa ra các quy định đối với “Hành vi vi phạm về giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá” (Điều 20). Theo đó, phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ thuốc lá mà không có giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá hoặc giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá hết hiệu lực.

Theo dự thảo nghị định, các cửa hàng bán lẻ thuốc lá phải treo biển “Không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”. Ảnh: L.M.

Việc bán thuốc lá nhập lậu bị phạt tối đa lên tới 200 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng đến 10 bao (1 bao = 20 điếu; đối với các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu được quy đổi 20g = 1 bao)... Phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng nếu số lượng hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên.

Cấm bán rượu qua mạng Internet

Việc sản xuất rượu thủ công được dự thảo đưa ra quy định quản lý chặt chẽ với mức phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với hành vi sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hiệu lực.

Ngoài ra, hành vi vi phạm về sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu (Điều 41) sẽ bị phạt tối đa 20 triệu đồng nếu số lượng trên 100 lít.

Đáng chú ý, trong quy định hành vi vi phạm về nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh rượu, việc bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng.

Mức phạt  tiền từ 3 - 5 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi sau: Bán lẻ sản phẩm rượu bằng máy bán hàng tự động hoặc bán qua mạng Internet; Kinh doanh sản phẩm rượu không đúng đối tượng, địa điểm, nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu; Kinh doanh sản phẩm rượu tại các địa điểm cấm kinh doanh theo quy định.

Ngoài việc phạt tiền, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trên còn bị phạt bổ sung bằng hình thức: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm rượu từ 1 - 3 tháng.
 

Phạt nửa tỷ đồng nếu đưa tin thất thiệt về thị trường

Cũng tại dự thảo, quy định hành vi vi phạm đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hoá, dịch vụ (Điều 53) có mức phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang, bất ổn thị trường.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân vi phạm phải có biện pháp khắc phục hậu quả như cải chính thông tin sai sự thật, tiêu hủy ấn phẩm có nội dung thông tin sai phạm...


Theo Gia Đình & Xã Hội

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây