Nhà vệ sinh là nơi chúng ta “ghé thăm” hằng ngày. Mặc dù thời gian ở trong nhà vệ sinh luôn ít hơn so với những hoạt động khác nhưng đây chính là địa điểm dễ lây lan vi khuẩn xấu. Dưới đây là một số thói quen khi đi vệ sinh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bạn nên nắm rõ.
1. Chơi điện thoại, đọc sách khi đi vệ sinh
Nhiều người có thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh để đọc báo, kiểm tra thư từ hay đơn giản là truy cập mạng xã hội. Trên thực tế, thói quen này ẩn chứa vô số hiểm họa và rất dễ khiến bạn nhiễm bệnh.
Dùng điện thoại khi đi vệ sinh khiến não bộ tập trung vào điện thoại mà quên đi "nhiệm vụ chính". Điều này sẽ làm rối loạn chức năng chỉ huy của não bộ và khiến việc dẫn truyền thần kinh bài tiết kéo dài, gây ảnh hưởng đến thời gian đại tiện về lâu dài có thể gây ra bệnh trĩ.
Ngoài ra, dùng điện thoại trong khi đi vệ sinh có thể khiến vi khuẩn dính vào điện thoại trong quá trình sử dụng và trở thành nguồn vi khuẩn xấu “thường trực” bên bạn mỗi ngày. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chiếc điện thoại di động thậm chí còn bẩn hơn bồn cầu nhiều lần nếu không biết cách vệ sinh.
2. Sử dụng giấy vệ sinh
Việc sử dụng giấy vệ sinh không loại bỏ hoàn toàn các chất bẩn giống như việc bạn không thể tắm bằng một chiếc khăn khô. Hơn nữa, đặc điểm của nhà vệ sinh là ẩm thấp, việc để giấy vệ sinh trong đây một thời gian dài có thể gây ra tình trạng sản sinh vi khuẩn. Nếu liên tục sử dụng giấy vệ sinh nhiễm khuẩn có thể gây viêm nhiễm vùng kín.
3. Dùng quá sức khi đại tiện
Dùng quá sức khi đi đại tiện dễ dẫn tới hiện tượng rách hậu môn, nhất là với người thường mắc chứng táo bón. Ngoài ra, hành động này còn làm tăng nguy cơ đột tử.
Khi đó, cơ thành bụng và cơ hoành co thắt dữ dội, khiến áp lực ở bụng tăng cao, huyết áp tăng vọt có thể dẫn tới xuất huyết não, cơ tim tiêu hao nhiều oxy làm đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và rối loạn nhịp tim nặng. Những hiện tượng này đều có thể gây đột tử.
Vì vậy, những người mắc các bệnh tim mạch, khi đi đại tiện không được vận quá sức. Trước khi vào nhà vệ sinh, nên mang theo loại thuốc cấp cứu như nitroglycerin, để uống phòng khi bất trắc. Bình thường nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, uống nhiều nước, thường xuyên vận động để thông tiện. Khi cần, có thể nhờ bác sĩ tư vấn cho thuốc hỗ trợ.
4. Đứng dậy quá nhanh sau khi đi vệ sinh xong
Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nếu thời gian ngồi bồn cầu quá lâu, sau khi đại tiện, đứng dậy nhanh dễ gây thiếu máu não tạm thời, làm chóng mặt, hoa mắt, ngã quỵ, đặc biệt là người lớn tuổi.
Ngoài ra, buổi sáng là thời điểm huyết áp tăng cao. Vì vậy, những người mắc bệnh này không nên đi đại tiện khi vừa thức giấc, rất dễ xảy ra tai nạn. Nếu trong nhà có người mắc bệnh cao huyết áp, bạn có thể gắn thêm tay vịn bên cạnh bồn cầu làm điểm tựa an toàn, đi vệ sinh xong, nâng người lên từ từ.
5. Đặt các thiết bị điện lớn trong nhà vệ sinh
Các thiết bị gia dụng trong gia đình như bình nước nóng, máy giặt, đèn sưởi được lắp đặt trong nhà vệ sinh là một mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với chúng ta.Các thiết bị trên có nguy cơ rò điện khiến bạn bị giật trong lúc tắm hoặc lúc đi vệ sinh thậm chí dẫn đến tử vong.
Vì vậy, những thiết bị điện gia dụng này nên được đặt ở ngoài nhà vệ sinh, ở những nơi cao ráo nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng.
6. Không đóng nắp bồn cầu khi xả nước
Khi bạn xả nước bồn cầu, các giọt nước nhỏ kèm hàng triệu vi khuẩn sẽ bắn vào không khí, có thể lan truyền gây hại cho sức khỏe.
Vi khuẩn có thể phát tán tới độ cao khoảng 2m tính từ bệ bồn cầu và tồn tại trong thời gian đủ để sinh sôi, phát triển lan ra khắp ngôi nhà. Vì vậy, hãy luôn đóng nắp bồn cầu khi xả nước để hạn chế sự phát tán của các vi khuẩn gây bệnh này.
Tác giả bài viết: An An
Nguồn tin: (Vietnamnet)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn