Hàng loạt nhà vệ sinh của hơn 1.000 hộ dân chưa được thu dọn đã tích nước.
Gói làm sạch hơn 35 tỷ đồng
Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.430 tỷ đồng. Trong đó Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) của Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư cụm công trình đầu mối với 3.050 tỷ đồng, còn lại do Ban quản lý dự án đầy tư xây dựng công trình NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư hợp phần hệ thống kênh. Hồ Ngàn Trươi có dung tích thiết kế 775 triệu m3, đây là hồ thủy lợi đầu tiên trên cả nước thực hiện gói làm sạch lòng hồ.
Ông Hoàng Xuân Thịnh - Giám đốc Ban 4 cho biết, tháng 4/2016, đơn vị này bắt đầu thực hiện thu dọn lòng hồ với tổng diện tích thiết kế thu dọn 1.659,67ha/4.610,05ha gồm 10 tiểu khu, 24 khoảnh, 330 lô thiết kế thuộc phạm vi cao trình 12m đến 52m. Vùng thu dọn tính từ đập chính và tràn xả lũ đi vào phía trong lòng hồ. Giá trị dự toán của gói thu dọn lòng hồ là 35,717 tỷ đồng do Tổng công ty Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) thi công.
Tháng 2/2017, hồ Ngàn Trươi vướng phải sự cố ô nhiễm khi việc thu dọn không được triệt để, cành cây, xác thực vật sau khi chặt hạ để la liệt trong lòng hồ. Khi tích nước toàn bộ cây cối, thực bì bị nhấn chìm trong nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ban 4 đã tiến hành rà soát và xác định ở cao độ 25m có 66,83ha các loại rừng và 12,61ha vườn tạp của dân chưa thu dọn!?.
“Đó là sự cố khách quan vì lịch tích nước không thể dời, tiến độ thu dọn không kịp, nhiều cây cối đã chặt hạ phần thì chưa khô không thể đốt, phần chưa thể đưa ra khỏi lòng hồ. Sau đó, đơn vị thi công phải trục vớt 6 tháng mới hết phần cây cối trôi nổi trên hồ. Đến ngày 30/8/2018 mới hoàn thành công tác thu dọn lòng hồ” – ông Thịnh thừa nhận.
Những tưởng hồ Ngàn Trươi sẽ sạch từ đó nhưng vào trung tuần tháng 5/2019, nước đập dâng Vũ Quang bất ngờ chuyển màu bất thường. Hà Tĩnh phải thành lập tổ công tác xác định nguyên nhân. Tại buổi công bố nguyên nhân bước đầu khiến nước đập dâng Vũ Quang chuyển màu bất thường (tối 8/8/2019), ông Hồ Huy Thành – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, Tổ trưởng tổ công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận định: “Nước ở đập dâng Vũ Quang chuyển màu, nguyên nhân có phần là do trong nước tồn tại hàm lượng sắt khá cao từ hồ Ngàn Trươi và khe Trươi chảy xuống, lắng đọng trước đập dâng Vũ Quang, khi xả nước hồ Ngàn Trươi về sẽ cuộn lên lớp lắng đọng gây màu”.
Vậy bên trong hồ Ngàn Trươi này có những gì mà khiến nước có thể cuộn lên rồi chuyển màu như thế? Để trả lời cho câu hỏi này, PV đã có chuyến “khám phá” hồ Ngàn Trươi.
Cây cối nằm ngổn ngang trong lòng hồ Ngàn Trươi.
Hồ chứa nước chứa cả hàng loạt nhà vệ sinh
Ngồi trên xuồng máy, ngược ngàn tiến vào vùng trung tâm hồ Ngàn Trươi. Nếu chỉ nhìn từ bến thuyền lên khoảng 50m chiều dài của hồ thì mặt nước hồ Ngàn Trươi phẳng lặng. Nhưng càng đi lên phía trên, lòng hồ càng lộ nhiều xác cây. Ở cốt nước 32m, chi chít cây cối đã rụng hết lá, thối rữa, chỉ còn trơ cành, cây nhô lên khỏi mặt nước. Nhiều nhất vẫn là tre, nứa, cọ, giang…
Không chỉ vậy, ở cao trình từ 33 – 52m, cây cối mọc um tùm, những ngôi nhà lộ mái nhấp nhô trên mặt hồ hay thậm chí là nhà vệ sinh vẫn nguyên hiện trạng. Nhà cửa, công trình vệ sinh, chuồng trại gia súc, gia cầm, vườn tược của hơn 1.000 hộ dân 2 xã Hương Điền và Hương Quang (huyện Vũ Quang) di dời tái định cư vẫn nguyên không hề được thu dọn.
Theo chính quyền địa phương, thời điểm di dời, người dân chỉ mang theo tài sản đi còn các công trình nhà ở, công trình vệ sinh vẫn nguyên không được thu dọn. Ngoài ra, khi thực hiện gói tận thu lâm sản trong lòng hồ, sau khi lấy những thân gỗ lớn, phần cành, ngọn đều được vứt lại. Hiện tại, mực nước lòng hồ đang ở cốt 32 – 33m nhưng khi nước dâng lên cao hơn, toàn bộ nhà cửa, công trình vệ sinh, chuồng trại sẽ ngập trong nước sau đó đổ về hạ du. Thực tế khu vực từ cao trình 40-52m ở hồ Ngàn Trươi, lực lượng kiểm lâm, lực lượng biên phòng còn tăng gia sản xuất bằng cách nuôi gia súc, gia cầm. Người dân địa phương cũng vô tư chăn thả trâu, bò ở khu vực này.
Trong khi đó, theo Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang số 1335 ngày 2/7/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung đã được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; tổ chức thu dọn, vệ sinh khu vực lòng hồ đảm bảo nguồn nước sau khi tích nước có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt.
Thế nhưng khi đề xuất phương án thu dọn lòng hồ, đơn vị tư vấn lại không đề nghị thu dọn hợp phần sinh hoạt của người dân 2 xã Hương Điền, Hương Quang mà chỉ dọn những loại cây phát sinh sinh khối lớn. Người dân cho rằng, quá trình thu dọn, làm sạch lòng hồ, đơn vị thi công triển khai không đảm bảo, chủ đầu tư giám sát không triệt để dẫn đến tồn đọng lượng lớn cây cối, mùn thực vật, quá trình ngâm nước lâu ngày thối rữa, phân hủy trở thành một lượng mùn khổng lồ đang lắng đọng dưới đáy hồ Ngàn Trươi.
Trước vấn đề này, Giám đốc Ban 4 Hoàng Xuân Thịnh thừa nhận, không thể dọn sạch hoàn toàn lòng hồ và toàn bộ diện tích cây cối mà chỉ thu dọn chọn lọc theo thiết kế. Đối với nhà ở, công trình vệ sinh, chuồng trại của người dân 2 xã Hương Điền và Hương Quang thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ông Thịnh cho hay, ban đầu, dự toán của gói làm sạch hoàn toàn lòng hồ, đảm bảo sau khi tích nước đạt chỉ tiêu nước sinh hoạt lên đến 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên được điều chỉnh xuống còn hơn 35 tỷ đồng. Việc thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi căn cứ vào lượng sinh khối tính toán và yêu cầu chất lượng nước mặt để lựa chọn, đảm bảo cân bằng giữa kỹ thuật và kinh tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chủ trương phương án thu dọn một phần sinh khối. Sau khi thu dọn đảm bảo giá trị giới hạn B1 của QCVN 08:2018/BTNMT – dùng cho mục đích tưới tiêu thủy lợi hoặc mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự hoặc mục đích sử dụng như loại B2.
Với lập luận như vậy, Ban 4 chỉ thực hiện thu dọn lòng hồ đảm bảo nguồn nước mặt phục vụ cho mục đích tưới tiêu nước thủy lợi chứ không làm theo phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường là đảm bảo mục đích cấp nước sinh hoạt. Khi xả nước từ hồ Ngàn Trươi xuống đập dâng Vũ Quang lại xả cả 3 tầng: mặt, giữa và đáy.
Mặc dù cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã kết luận nước chuyển màu ở đập dâng Vũ Quang không ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và sinh hoạt nhưng cần phải xem lại gói làm sạch lòng hồ Ngàn Trươi thực hiện có đảm bảo hay không? Hơn 35 tỷ đồng “đổ” vào hồ Ngàn Trươi để làm sạch nhưng liên tiếp xảy ra “sự cố” về môi trường, điều này khiến dư luận hoài nghi về hiệu quả của gói làm sạch nhưng không sạch.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn