3 chị em ruột trong một nhà tử vong: Các bé đều khởi phát với dấu hiệu sốt

Thứ ba - 26/11/2019 16:26
Kết quả điều tra 3 trường hợp tử vong trong cùng một gia đình tại thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho thấy các trẻ đều có biểu hiện sốt cao, diễn tiến tử vong nhanh. Trong đó có hai bé được khẳng định mắc bệnh Whitmore.
Trường hợp tử vong thứ nhất là bé gái 7 tuổi, có biểu hiện sốt vào ngày 6/4, ngoài ra không có biểu hiện gì khác, gia đình tự mua thuốc điều trị. Hai ngày sau trẻ được đưa đến khám tại Bệnh viện Đa Khoa Sóc Sơn, sau đó chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Trẻ tử vong ngày 9/4.

Trường hợp thứ hai là bé trai 5 tuổi. Ngày 27/10, trẻ xuất hiện sốt 38,5 độ C, kèm theo đau bụng, ở nhà không điều trị gì. Ngày 28/10, gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tối ngày 31/10, trẻ tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.
 
T2019112609a
Whitmore là một bệnh ít gặp song nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao.

Trường hợp thứ ba là bé trai mới được 1 tuổi, khởi phát bệnh từ ngày 11/11 với biểu hiện sốt, sốt cao liên tục 39-40 độ C, dùng hạ sốt có hạ một lúc lại sốt lại, không ho, nôn một lần sau ăn. Ngay lập tức gia đình đưa con nhập viện Nhi Trung ương hồi trưa cùng ngày. Qua thăm khám, trẻ tỉnh, tự thở, thở nhanh, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, bụng mềm, gan lách không to, không ban trên da, vết xước đầu ngón giữa tay phải cách 2 ngày, được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết.

Những ngày tiếp theo trẻ vẫn sốt, sang ngày 15/11 có biểu hiện đe dọa sốc nhiễm độc, phải thở máy. Tình trạng bệnh ngày càng diễn biến xấu, được cấp cứu ngừng tuần hoàn, lọc máu liên tục…, sau đó tử vong vào ngày 16/11. Nguyên nhân tử vong do suy tuần hoàn.

Trong 3 ca tử vong trên thì hai trường hợp sau được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, môi trường sống của gia đình 3 trẻ không có gì khác biệt với những gia đình xung quanh về đất, nước (nước giếng khoan). Bệnh Whitmore cũng là bệnh nhiễm trùng thông thường đã có từ hàng trăm năm nay, nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, bệnh đã có phác đồ điều trị. Đây không phải là bệnh lạ, bệnh mới hay tái nổi.

 “Người dân không nên hoang mang. Bệnh không thành dịch, khó lây từ người sang người nhưng có thể ghi nhận chùm ca bệnh như trường hợp trên. Giống như vi khuẩn uốn ván tồn tại trong đất, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei cũng tồn tại trong môi trường đất, có nhiều nơi. Dù vậy điều này không có nghĩa đất chỗ nào cũng có khuẩn này”, PGS Cảm nói.

Theo chuyên gia, vi khuẩn gây bệnh Whitmore tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Cũng giống như phòng các bệnh nhiễm trùng khác, nguyên tắc cơ bản là ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tiếp xúc với đất phải dùng dụng cụ bảo hộ (bao tay, ủng…).

PGS Cảm cho biết, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn phối hợp cùng trạm Y tế xã Bắc Sơn và cộng tác viên y tế thôn bản hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, ăn chín uống sôi, sử dụng đồ bảo hộ khi làm việc (đeo ủng, bao tay…), tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, tiếp xúc ngoài trời với mưa lớn và mây bụi.

Đồng thời phân công cán bộ hàng ngày theo dõi, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc tại cộng đồng và cơ sở điều trị, báo cáo kịp thời.

Whitmore là một bệnh nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao. Hiện bệnh đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tại Việt Nam, bệnh được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP. HCM. Ngoài Hà Nội, một số tỉnh thành gần đây cũng ghi nhận ca mắc là Bình Định, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Kạn…

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

- Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

 - Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

 - Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.
Nam Phương
Theo Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây